Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động nguy cơ thiếu hụt dân số

Thu Trang| 20/07/2014 06:22

(HNM) - Dân số (DS) trong những năm gần đây có sự gia tăng đều đặn nhưng dự báo trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt DS đáng kể.



Bởi hiện tại, nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đang trì hoãn mang thai cùng với tỷ lệ vô sinh đang gia tăng khiến cho mức sinh giảm trong khi tuổi thọ bình quân khá cao sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: DS ngày càng già đi, nguồn nhân lực thiếu hụt, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Khuynh hướng sinh ít con, trì hoãn tuổi sinh nở của phụ nữ hiện đại, ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Phương An


Tỷ lệ vô sinh đang gia tăng

Cách đây vài thập kỷ, nhiều chuyên gia lo ngại không thể kiểm soát được về sự bùng nổ DS. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, vấn đề báo động lại là tình trạng suy giảm tỷ lệ sinh trên phạm vi toàn thế giới. Hiện tại đã có ít nhất 60 quốc gia đã có tỷ lệ sinh thấp hơn đáng kể so với mức cần duy trì. Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ sinh giảm đang là một thách thức lớn đối với các quốc gia trên thế giới. Còn tại Việt Nam, trong 50 năm qua đã đạt được thành tựu đáng khích lệ trong việc giảm mức sinh của một phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 5 đến 6 con xuống còn 2,1 con vào năm 2013. Bác sĩ Hoàng Thị Thu Hà, Khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, biến chứng lâu dài của việc nạo phá thai sẽ dẫn tới phụ nữ bị vô sinh, hiếm muộn. Có tới hơn 30% phụ nữ điều trị vô sinh đã có tiền sử nạo phá thai. Ngay tại TP Hồ Chí Minh, một trong những địa phương có tỷ lệ phá thai cao nhất cả nước, đặc biệt là nạo phá thai ở lứa tuổi thanh niên. Báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong năm 2013, tỷ lệ phá thai tại thành phố này là 52,36 ca/100 ca sinh ra sống; trong đó, tỷ lệ nữ vị thành niên phá thai là 3,91%. Hiện tổng tỷ suất sinh, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP Hồ Chí Minh này là 1,48 con, thấp hơn nhiều so với cả nước (2,1 con). Tại thành phố có tốc độ phát triển kinh tế lớn nhất nước này không khó để gặp những gia đình chỉ sinh một con.

Cùng với vấn đề nạo phá thai không an toàn, tình hình DS trở nên phức tạp bởi thực tế số người gặp những rắc rối về thụ thai ngày càng tăng, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Bác sĩ Hoàng Thị Thu Hà cho rằng, đời sống sinh hoạt, công việc và môi trường đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản. Bên cạnh các nguyên nhân vô sinh do bệnh lý, vấn đề nạo phá thai không an toàn, viêm nhiễm cơ quan sinh dục, viêm vùng chậu cũng góp phần tăng tỷ lệ hiếm muộn ở nữ giới. Đối với nam giới, tình trạng vô sinh có thể do bất thường về số lượng và chất lượng tinh trùng, rối loạn quá trình sinh trưởng của tinh trùng. Một vấn đề có xu hướng phổ biến nữa là các cặp vợ chồng lấy nhau nhưng do áp lực công việc, mưu sinh hoặc muốn ổn định kinh tế trước nên ngại sinh con, đến khi ổn định công việc, vững vàng về kinh tế thì sức khỏe sinh sản lại trục trặc.

Và những hệ lụy...

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ vô sinh trên thế giới trung bình từ 6% đến 12%. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất. Dự báo, hiếm muộn và vô sinh sẽ là căn bệnh nguy hiểm thứ ba sau ung thư và các bệnh tim mạch. Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 8%-10% ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Đối tượng nam và nữ có tỷ lệ nguy cơ vô sinh gần ngang nhau, nữ giới khoảng 35% và nam giới khoảng 30%, do cả vợ lẫn chồng là 25%, chưa rõ nguyên nhân khoảng 10%. Trong tương lai, nước ta sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt dân số đáng kể. Mức sinh thấp trong khi tuổi thọ bình quân khá cao sẽ dẫn đến hệ lụy dân số ngày càng già đi. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực lao động và về lâu dài, tác động không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Tránh "vết xe đổ" của một số quốc gia Châu Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc)... đã duy trì chương trình giảm sinh trong khi tỷ suất sinh đã giảm chỉ còn 1,6 con, đến khi chuyển sang chính sách khuyến khích sinh đã gặp phải khó khăn, Indonesia, nước có tỷ suất sinh là 2,3 con đã thay đổi rất sớm, thông điệp truyền thông chuyển từ "hai con là đủ" sang "hai con là tốt".

Các chuyên gia DS cho rằng, thách thức vô sinh là đáng báo động và không quá sớm để Việt Nam tính tới việc điều chỉnh các chính sách DS cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Mới đây, một nghiên cứu do Bệnh viện Phụ sản trung ương phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tiến hành trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái của cả nước cho thấy, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7% (tương đương với gần 1 triệu ca hiếm muộn). Hầu hết các cặp vợ chồng trước khi có con chỉ chú ý đến việc ổn định cuộc sống, tạo ra một nguồn kinh tế ổn định mà không nghĩ tới sức khỏe sinh sản. Các bác sĩ khuyến cáo, độ tuổi có thai đẹp nhất nằm trong khoảng 25-30, sau đó khả năng thụ thai ngày càng giảm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động nguy cơ thiếu hụt dân số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.