Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Ngọc Quỳnh| 25/01/2017 06:45

(HNM) - Việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi đang diễn ra phức tạp đến mức báo động..


Sử dụng sai mục đích các loại kháng sinh trong chăn nuôi có thể gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Thái Hiền


Sử dụng sai mục đích

Phó Phòng phụ trách quản lý chất lượng (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) Lê Anh Ngọc cho biết, việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi dẫn đến khả năng tồn dư các chất này trong sản phẩm động vật cao, sau một thời gian tích tụ sẽ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Năm 2016, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT đã lấy 2.724 mẫu thủy sản nuôi, qua đó phát hiện 31 mẫu chứa dư lượng kháng sinh cấm. Thậm chí, các cơ quan chức năng còn phát hiện một số công ty chế biến thủy sản có tới 12% - 15% sản phẩm chứa tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, gây tác hại về kinh tế, làm giảm giá trị xuất khẩu, ảnh hưởng tới uy tín các mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường.

Thực tế, không chỉ người dân sử dụng sai mục đích các loại kháng sinh trong chăn nuôi, dẫn tới sản phẩm bị tồn dư hóa chất, mà còn một số công ty nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất thuốc thú y phục vụ công tác chữa bệnh cho đàn vật nuôi cũng vì lợi nhuận mà bán thuốc cho người dân trộn vào thức ăn nhằm kích thích tăng trưởng cho vật nuôi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng. Năm 2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT thanh tra 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh, đã phát hiện 5 công ty bán thuốc sai đối tượng. Ngoài ra, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng lập biên bản vi phạm với gần 200 đối tượng là các công ty sản xuất nhỏ, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, trang trại chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết, mục đích chính của nguyên liệu kháng sinh là cho vào sản phẩm thức ăn bổ sung trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, một số công ty đã sử dụng sai mục đích, thậm chí còn sản xuất các sản phẩm thuốc thú y ngoài danh mục, không bảo đảm chất lượng. Các loại thuốc này được nhân viên của công ty tiếp thị trực tiếp tới các trang trại nên quản lý khó khăn.

Vẫn phải tăng cường tuyên truyền

Năm 2016, Bộ NN&PTNT đã quyết liệt ngăn chặn chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi nên một số cơ sở chăn nuôi chuyển sang dùng chất Cysteamine (nhập lậu từ Thái Lan, Trung Quốc) để thay thế. Chất Cysteamine là một loại chất tiền hoóc môn có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã chính thức đề xuất và dự thảo thông tư cấm sử dụng Cysteamine trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Sau khi thông tư này có hiệu lực, chất Cysteamine sẽ được đưa vào danh mục cấm như chất vàng ô, Salbutamol. Việc đưa Cysteamine vào danh mục cấm sẽ giúp cho các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để thanh tra, kiểm tra và xử phạt những hành vi vi phạm để từng bước hạn chế tối đa việc người dân cũng như doanh nghiệp lén lút sử dụng các loại chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…

Để hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, các ngành chức năng cần giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản để kịp thời hướng dẫn người dân phòng trị bệnh hiệu quả; khuyến cáo nông dân không sử dụng chất cấm, kháng sinh nguyên liệu để xử lý cải tạo môi trường, đồng thời sử dụng thuốc thú y theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách).

Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Đàm Xuân Thành cho rằng, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất thức ăn chăn nuôi và người dân, giúp họ hiểu rõ tác hại của việc sử dụng kháng sinh không đúng quy trình để chấp hành nghiêm túc. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân chăn nuôi theo mô hình chuỗi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để bảo đảm chất lượng. Đồng thời, kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu và dư lượng hóa chất, kháng sinh trong nguyên liệu của các công ty trước khi đưa vào sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.