(HNM) - Môi trường nước mặt của sông Nhuệ - Đáy đang chịu sự tác động mạnh của nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp... trong lưu vực.
Kết quả quan trắc do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội thực hiện mới đây cho thấy chất lượng nước của nhiều đoạn sông đã bị ô nhiễm tới mức báo động, đặc biệt vào mùa khô, nồng độ các chất hữu cơ, dinh dưỡng có giá trị vượt quy chuẩn Việt Nam về môi trường cho phép... Với mục tiêu từng bước giảm ô nhiễm, Hà Nội đang ưu tiên tập trung triển khai nhiều dự án nhằm cải thiện môi trường nước sông Nhuệ - Đáy.
Nước tại khu vực sông Đáy đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Thái Hiền
Theo kết quả quan trắc chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy tại khu vực đầu nguồn cho thấy vào mùa mưa nước sông có hàm lượng chất rắn lơ lửng cao do tiếp nhận nước từ sông Hồng. Với sông Nhuệ, sau khi tiếp nhận nước sông Tô Lịch, chất lượng nước đã bị ô nhiễm, hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng tăng đột ngột. Dọc theo dòng chảy cho tới cuối nguồn mức độ ô nhiễm của nước sông Nhuệ giảm dần, là do đoạn sông này ít chịu tác động của các nguồn thải công nghiệp xả trực tiếp, đồng thời vào mùa mưa lưu lượng nước sông lớn, tốc độ dòng chảy cao làm tăng khả năng tự làm sạch của nước. Chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy từng lúc khác nhau do phụ thuộc vào thời gian mở cống Liên Mạc và mực nước của sông Hồng. Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước sông Đáy bị ô nhiễm ở mức nhẹ hơn sông Nhuệ và ô nhiễm mang tính cục bộ.
Nhằm giảm ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ - Đáy, Hà Nội đã có những giải pháp: tăng cường xây dựng cơ chế, chính sách, như ban hành các quy định về quản lý chất thải rắn (CTR), về cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chôn lấp rác thải nông thôn, về mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường đối với các khu xử lý CTR, về quản lý hệ thống cây xanh, về xả nước thải vào lưu vực nguồn nước, về quản lý cụm công nghiệp...; bổ sung lao động làm công tác quản lý môi trường tại các xã, phường, thị trấn... Thành phố đang tích cực xây dựng và thực hiện các dự án trọng điểm để xử lý CTR, xử lý nước thải và cấp nước sinh hoạt, như các dự án: "Thí điểm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai với công suất 200-300m3/ngày - đêm"; cải tạo, nâng cấp sông Tô Lịch đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến Trung Hòa - Nhân Chính; tiếp tục triển khai chương trình xử lý nước sông, mương, hồ; các dự án đầu tư xây dựng hệ thống lò đốt CTR và trạm xử lý nước thải tại bệnh viện, trung tâm y tế; lập báo cáo đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề Cầu Ngà 2. Cùng với đó, thành phố đang và chuẩn bị đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải: Yên Sở công suất 200.000m3/ngày - đêm; Yên Xá công suất 275.000m3/ngày - đêm; Phú Đô công suất 71.000m3/ngày - đêm; xây dựng dự án nhà máy phân loại và ép rác sinh hoạt để xuất khẩu công suất 2.000 tấn/ngày đêm theo hình thức BOT tại Nam Sơn (Sóc Sơn); xây dựng khu xử lý chất thải rắn Đồng Ké; khu xử lý rác thải Xuân Sơn - Sơn Tây (giai đoạn 2), diện tích 13ha… Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng hỗ trợ cho Hà Nội đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải cụm làng nghề tại xã Dương Liễu để xử lý nước thải cho 3 xã làng nghề gồm: Cát Quế - Minh Khai - Dương Liễu (huyện Hoài Đức) với công suất 12.000-13.000m3/ngày - đêm. Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bảo đảm dòng chảy, cân bằng nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường luôn được tăng cường; thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội, của người dân và cộng đồng trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy nhằm giảm ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ - sông Đáy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.