Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động bệnh trầm cảm ở trẻ em

Thu Trang| 16/11/2020 06:41

(HNM) - Trầm cảm là một bệnh lý nguy hiểm, không chỉ xảy ra ở người lớn, mà còn gặp ở trẻ em. Dấu hiệu sớm ở trẻ mắc trầm cảm là rối loạn giấc ngủ, mất ngủ triền miên, luôn rơi vào trạng thái lo âu. Các bậc phụ huynh cần nhận biết sớm các dấu hiệu trầm cảm ở con mình để có những can thiệp kịp thời, không để bệnh tiến triển nặng mới đưa con nhập viện...

Tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương) kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhi bị mất ngủ, rối loạn lo âu. Ảnh: Xuân Lộc

Bệnh của xã hội hiện đại

Bố mẹ thường xuyên đi công tác xa nhà, nên bé gái H.Q.H. (15 tuổi ở Hà Nội) chủ yếu sống cùng bà nội. Từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi, bỗng H. lầm lì, ít nói, sao nhãng việc học hành. Chỉ đến khi giáo viên chủ nhiệm phản ánh về tình hình học tập ngày một sa sút, mẹ H. mới để ý thấy con gái có những biểu hiện bất thường, thường xuyên mất ngủ, thậm chí còn tìm hiểu về cách tự sát trên mạng xã hội. Sau khi được khám bệnh, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi trung ương kết luận, H. có dấu hiệu của trầm cảm nặng.

Những câu chuyện trẻ bị trầm cảm và nảy sinh các hành vi tiêu cực như trên không còn là cá biệt. Tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh trầm cảm sẽ tiến triển nặng, khiến trẻ mệt mỏi, buồn chán, bi quan. Điều đó cũng là một nguyên nhân khiến nhiều trẻ xuất hiện ý nghĩ muốn tự tử, vì không còn cảm thấy hứng thú trong cuộc sống. Ngay tại bệnh viện, các bác sĩ đều phải giám sát chặt việc sử dụng các thuốc hướng thần. Bởi, ở những trẻ khi mắc trầm cảm nặng, dễ nảy sinh suy nghĩ tích trữ thuốc ngủ để tự tử…

Trầm cảm cũng được xem là bệnh của xã hội hiện đại. Đặc điểm chung của những trẻ này là gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly hôn, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, cha mẹ, hoặc do áp lực của việc học tập, rồi trẻ bị nghiện trò chơi điện tử (games), mạng xã hội…

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, bệnh viện đã điều trị cho một bé trai 12 tuổi (ở Hà Nội) đang đi học bình thường, nhưng đợt nghỉ học vì dịch Covid-19, ở nhà chơi game quá nhiều, dẫn đến trầm cảm. Lúc nào bé trai này cũng chỉ ngồi một chỗ, không thích tiếp xúc với ai. Có những trường hợp đang đi du học nước ngoài, buộc phải về nước vì bị trầm cảm, u uất…

Theo báo cáo của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. Ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với nhóm quần thể chung từ 4% đến 6%. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Viện Sức khỏe tâm thần cho rằng, bệnh trầm cảm không tự biến mất, nếu không điều trị. Thậm chí, nếu không được điều trị kịp thời, các triệu chứng trầm cảm tiếp tục trong nhiều tuần hoặc vài tháng, thậm chí nhiều năm…

Chia sẻ áp lực, làm bạn cùng con

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở nước ta là từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên. Một khảo sát dịch tễ học được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố của nước ta cho thấy, mức trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em cũng vào khoảng 12%, tương đương với hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ở trẻ em là các vấn đề hướng nội (lo âu, trầm cảm, cô đơn...) và các vấn đề hướng ngoại (tăng động và giảm chú ý…).

Theo Tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương), dấu hiệu đầu tiên của trầm cảm là mất ngủ. Khi phát hiện trẻ “bỗng dưng” có dấu hiệu mất ngủ, cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ và tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này để tìm cách xử lý. Ở giai đoạn đầu, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng, cha mẹ nên chia sẻ, động viên con tham gia các hoạt động cộng đồng, cùng con điều chỉnh thói quen sinh hoạt hằng ngày để khắc phục tình trạng rối loạn giấc ngủ. “Trẻ hoàn toàn có thể hồi phục khi được trị liệu tại nhà, mà không cần phải nằm viện điều trị nội trú, nếu phát hiện sớm”, Tiến sĩ Ngô Anh Vinh cho biết.

Để phòng ngừa sớm tình trạng trầm cảm ở trẻ, bác sĩ Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội chia sẻ, với trẻ em, nhất là ở tuổi học đường - lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý, nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực, suy nghĩ, lối sống tiêu cực dẫn đến tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí là ý nghĩ tự sát. Việc cha mẹ làm bạn cùng con, lắng nghe, chia sẻ và nắm bắt tâm lý trẻ là điều cực kỳ quan trọng. Mặt khác, hạn chế trẻ sử dụng thiết bị điện tử thông minh cũng là cách để ngăn chặn tình trạng trầm cảm gia tăng. Khi cha mẹ thấy con có dấu hiệu mất ngủ, lo âu, mệt mỏi, kém tập trung… kéo dài từ 2 tuần trở lên, cần phải đưa con đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo động bệnh trầm cảm ở trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.