Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

Bảo Hân| 24/03/2016 16:56

(HNMO)- Phạm vi điều chỉnh của Luật về chủ thể cung cấp thông tin và những thông tin công dân không được tiếp cận là những vấn đề được nhiều ĐB đóng góp ý kiến trong buổi thảo luận chiều 24/3

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý


Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật tiếp cận thông tin, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu có ý kiến đề nghị cần mở rộng chủ thể cung cấp thông tin, theo đó không chỉ có cơ quan nhà nước mà cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước cũng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Về vấn đề này, Uỷ ban TVQH nêu quan điểm: Việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân là trách nhiệm của Nhà nước. Hầu hết các thông tin mà người dân quan tâm là các thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mình. Các thông tin này cơ bản đều do các cơ quan nhà nước tạo ra hoặc nắm giữ. 

Do đó, dự thảo Luật quy định cơ quan nhà nước là chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin là phù hợp. Các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện việc cung cấp, công khai thông tin theo điều lệ, quy chế, tôn chỉ mục đích của mình và theo quy định tại các văn bản pháp luật khác. Vì vậy, UBTVQH đề nghị QH cho giữ phạm vi điều chỉnh như quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật là chỉ có "cơ quan nhà nước".

Góp ý về phạm vi điều chỉnh này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng nếu chủ thể cung cấp thông tin chỉ là cơ quan nhà nước là chưa đầy đủ.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)


Thực tế cho thấy công dân không chỉ cần thông tin từ cơ quan công quyền mà còn rất cần thông tin từ các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, quỹ được thành lập theo quy định của pháp luật và các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước như trường học, bệnh viện.

Các chủ thể trên không chỉ tạo ra và nắm giữ các thông tin liên quan đến vấn đề quản lý sử dụng tài chính, ngân sách mà còn có cả các thông tin liên quan đến đời sống xã hội, quyền và lợi ích của công dân.

Chủ thể cung cấp thông tin được mở rộng, thông tin được công khai, minh bạch sẽ góp phần quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, oan sai. Bởi lẽ bởi lẽ việc công khai thông tin là giải pháp then chốt thực hiện nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra".

Nếu dự thảo luật không quy định các chủ thể trên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật tiếp cận thông tin là không bảo đảm công bằng giữa các cơ quan trong việc thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cũng như bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật

ĐB Vinh cũng không đồng tình với những nội dung được quy định tại Điều 6 về những thông tin công dân không được tiếp cận.

Đặc biệt, với khoản 2 của Điều 6 quy định "Thông tin do người đứng đầu cơ quan nhà nước xác định theo thẩm quyền mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước..." theo ĐB này sẽ là... cái bẫy cản trở quyền tiếp cận thông tin của công dân, là cơ sở để các cơ quan tổ chức lợi dụng tạo rào cản trong cung cấp thông tin cho công dân. Bởi đã là thông tin gây nguy hại đến lợi ích Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng an ninh quốc gia thì đương nhiên công dân không được tiếp cận, làm gì có chuyện “nếu để tiếp cận”.

"Quy phạm pháp luật phải cụ thể, rõ ràng, để người dân biết phải đi thế nào, đi chỗ nào và đâu là vùng cấm. Không nên quy định mập mờ khiến người dân không xác định được hướng phải đi thì vô hình trung luật trở thành cái bẫy với công dân. Do đó ban soạn thảo cần xem xét thấu đáo quy định theo hướng quy định cụ thể thông tin không được tiếp cận" - ĐB Vinh góp ý.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội)


Về Điều 6, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị nếu được thì nên liệt kê tất cả danh mục thông tin bí mật ngay trong luật này để đề phòng những thông tin không thuộc danh mục mật nhưng cơ quan chức năng cũng không công bố.

Dẫn ví dụ thông tin về quy hoạch trước đây, bà An cho rằng những là ai ở các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… đều biết rất rõ. Nếu chỉ cần biết trước thông tin quy hoạch về mở đường, thì chỉ cần biết trước một tuần, thậm chí một ngày thì đã giàu lên rất nhanh.

“Thế nhưng lúc ấy họ không nói vì họ bảo đó là thông tin mật, thế nhưng nhiều người lại biết được. Vì vậy phải nói rõ ra thông tin nào là mật hay không mật để tránh việc dùng việc này để trục lợi”-bà An đề nghị.

Cuối phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận định, nhiều vấn đề các ĐB nêu ra rất cụ thể, xác đáng, đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì, thẩm tra tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm các quy định của luật chặt chẽ hơn, khả thi hơn, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho công dân tiếp cận thông tin nhưng bảo đảm không ảnh hưởng đến bí mật của nhà nước.

Nội dung Điều 6 Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin 

Điều 6. Thông tin công dân không được tiếp cận 

1. Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác theo quy định của luật về bí mật nhà nước.

Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này.

2. Thông tin do người đứng đầu cơ quan nhà nước xác định theo thẩm quyền mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại lớn đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ; ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.