(HNM) - Trong quá trình đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, một số ý kiến cho rằng, nước ta nên áp dụng đầy đủ theo mô hình tổ chức quyền lực nhà nước “tam quyền phân lập”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình...
Theo GS, TS Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), sau hơn 200 năm thực hiện, mô hình “tam quyền phân lập” ở các nước phương Tây đã bộc lộ nhiều hạn chế. Thứ nhất, việc tuyệt đối hóa kiểm soát quyền lực nhà nước bằng các cơ quan quyền lực nhà nước đã che lấp cơ chế kiểm soát nhà nước từ phía nhân dân. Đây là điều rất quan trọng trong Nhà nước dân chủ hiện đại. Thứ hai, mô hình này chưa giải quyết được nạn tranh giành quyền lực nhà nước thường xuyên giữa các đảng chính trị, các phe phái chính trị, các lực lượng xã hội. Thứ ba, mô hình này cũng sẽ gặp những cản trở mà nhiều khi không phải là thuần túy kỹ thuật mà do “trò chơi” chính trị trong tổ chức nhà nước. Thứ tư, nếu như xã hội thiếu hệ thống pháp luật đầy đủ, văn hóa chính trị chưa hoàn thiện, các đạo đức chính trị đang còn thấp thì áp dụng mô hình này thường gây ra các bất ổn chính trị. GS, TS Phan Xuân Sơn khẳng định, bản thân lý thuyết “tam quyền phân lập” không giải quyết được hết các vấn đề.
Trong khi đó, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chỉ ra rằng, “tam quyền phân lập” mới chỉ quan tâm đến kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong giữa các cơ quan hay tổ chức, chưa quan tâm đến kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài (từ nhân dân). Trong thực tế của thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển, kiểm soát quyền lực từ bên ngoài có vai trò rất quan trọng. TS Phạm Sỹ Liêm cho biết, hệ thống thể chế “kiểm soát và cân bằng” quyền lực hiện đại bao gồm 3 nhóm. Thứ nhất là nhóm nội bộ làm nhiệm vụ giám sát trực tiếp, chẳng hạn thanh tra, kiểm toán... Thể chế phân cấp (phi tập trung hóa) cũng thuộc về nhóm này. Thứ hai là nhóm trung gian làm nhiệm vụ phân xử các tranh chấp quyền lực, chủ yếu là các cơ quan trọng tài, tòa án, hội đồng hay tòa án Hiến pháp. Thứ ba là nhóm bên ngoài bao gồm các quy tắc, các tác nhân bảo đảm sự thông suốt của dòng thông tin và dữ liệu minh bạch mà ai cũng có thể tiếp cận dễ dàng, kể cả mở cửa thông thoáng cho sự vận hành của xã hội dân sự và các phương tiện thông tin đại chúng. Mô hình “tam quyền phân lập” không thể hiện được hết 3 vấn đề này. TS Phạm Sỹ Liêm nhận định: Điều 2 trong Dự thảo Hiến pháp quy định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” là phù hợp với quan điểm hiện đại về “kiểm soát và cân bằng”.
Nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng Hiến pháp 1992 (sửa đổi 2001) mới chỉ ghi nhận Quốc hội là cơ quan lập pháp (Điều 83), còn Chính phủ chỉ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất (Điều 109) và Tòa án là cơ quan xét xử (Điều 127). Dự thảo Hiến pháp lần này quy định rõ ràng, cụ thể về quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp” (Điều 74); “Chính phủ thực hiện quyền hành pháp” (Điều 99); và “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” (Điều 107). Cùng với quy định bổ sung yếu tố kiểm soát quyền lực tại Điều 2 Dự thảo, thành lập Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia, đây là một bước tiến quan trọng về tổ chức nhà nước.
TS Ðinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Ban biên tập, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định: Ở nước ta, quyền lực nhà nước dẫu là quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều có chung một nguồn gốc thống nhất là nhân dân, đều do nhân dân ủy quyền, giao quyền. Nên nói quyền lực nhà nước là thống nhất (Điều 2) trước tiên là sự thống nhất ở mục tiêu chính trị, nội dung chính trị của nhà nước. Cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tuy có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau nhưng đều thống nhất với nhau ở mục tiêu chính trị chung là xây dựng một nhà nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” như Đảng ta đã chỉ ra.
TS Đinh Xuân Thảo nêu rõ, quan niệm quyền lực nhà nước là thống nhất như tại Điều 2 là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước đề cao trách nhiệm trước nhân dân, hạn chế sự dựa dẫm, ỷ lại trong việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ mà nhân dân đã ủy quyền. Đó cũng là cơ sở để không có chỗ cho các yếu tố cực đoan, đối lập, thiếu trách nhiệm trong mối quan hệ giữa các quyền. Đó cũng là điều kiện để hình thành cơ chế kiểm soát, nhận xét, đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của các quyền từ bên trong tổ chức quyền lực nhà nước cũng như từ bên ngoài là nhân dân.
PGS, TS Lê Minh Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Ban biên tập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhấn mạnh, việc kiểm soát từ bên trong và cả bên ngoài bảo đảm cho quyền lực nhà nước được thực hiện đúng ở mọi lúc, mọi nơi. Đó chính là đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.