(HNM) - 5 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người lao động ở nước ta, trong đó có hơn 540.000 người bị mất việc làm. Thực trạng này ảnh hưởng lớn đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Tuy vậy, toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã, đang nỗ lực, đồng lòng vượt khó, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia bảo hiểm xã hội.
Khó khăn trong phát triển số người tham gia
Nhóm người trong độ tuổi lao động là đối tượng mà ngành Bảo hiểm xã hội tập trung khai thác, phát triển. Vì thế, việc có nhiều người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của ngành. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, đến ngày 31-5-2021, cả nước có hơn 15 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; hơn 1,12 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hơn 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp. So với cuối năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm xã hội thất nghiệp giảm lần lượt là gần 26.000 người, hơn 13.000 người và gần 21.000 người.
Điều đáng quan tâm, trong khi mục tiêu mở rộng, phát triển mới số người tham gia bảo hiểm xã hội không dễ thực hiện, thì số người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội có chiều hướng gia tăng. Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đào Ngọc Thọ thông tin, riêng tháng 5-2021, ngành Bảo hiểm xã hội giải quyết cho gần 104.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nâng tổng số người hưởng chính sách này từ đầu năm 2021 đến nay là gần 470.000 người, tăng gần 80.000 người so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, số người tạm thời rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội cũng chưa có dấu hiệu giảm, khi cả nước đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 300.000 người trong 5 tháng đầu năm 2021.
Thực tế trên phần nào cho thấy, ngành Bảo hiểm xã hội đang gặp không ít khó khăn trong công tác phát triển số người tham gia cũng như bảo đảm ổn định nguồn thu để thực hiện đầy đủ các quyền lợi cho người lao động.
Nâng chất lượng phục vụ
Để thu hút, mở rộng đối tượng, ngành Bảo hiểm xã hội đặc biệt quan tâm, chú trọng tới việc bảo đảm các quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội. Theo đó, bên cạnh giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách, ngành đã đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ.
Về cải cách hành chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục cắt giảm 2 thủ tục, hiện chỉ còn 25 thủ tục. Theo bà Nguyễn Thị Thắm, cán bộ phụ trách công tác bảo hiểm xã hội, Công ty TNHH K+K Fashion (Cụm công nghiệp Ngọc Hòa, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ), việc đơn giản hóa thủ tục hành chính giúp các đơn vị giảm được nhiều thời gian, chi phí; đồng thời giúp người lao động thêm tin tưởng vào chính sách, từ đó muốn tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài.
Nhằm đẩy mạnh giao dịch điện tử, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Nguyễn Hoàng Phương cho biết, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm do Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan chủ quản đã vận hành thông suốt từ ngày 1-6-2021. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có thể khai thác, sử dụng thông tin cần thiết từ cơ sở dữ liệu này để phục vụ cho các giao dịch, hoạt động liên quan.
Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, ngành Bảo hiểm xã hội đã tập trung tuyên truyền, vận động, thu hút hàng triệu người lao động cài đặt ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trên nền tảng thiết bị di động để có thể theo dõi sát sao quá trình đóng hưởng, qua đó có thể tự bảo vệ quyền lợi của bản thân. Chẳng hạn, tháng 5 vừa qua, sau khi cài đặt ứng dụng VssID, nhiều người lao động thuộc Công ty cổ phần Nông nghiệp Hùng Hậu, thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) đã phát hiện người sử dụng lao động không đóng tiền bảo hiểm xã hội cho họ trong thời gian dài và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm...
Toàn ngành Bảo hiểm xã hội cũng đã, đang giải quyết tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất cho hàng nghìn đơn vị, doanh nghiệp; huy động nguồn lực xã hội để tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như hỗ trợ tiền ăn cho người lao động bị cách ly y tế; nới lỏng điều kiện tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và tử tuất...
Với nhiều giải pháp đã, đang thực thi, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tin tưởng chính sách bảo hiểm xã hội ngày càng được đông đảo người lao động tham gia. Toàn ngành phấn đấu, từ nay đến cuối năm 2021 sẽ phát triển thêm 1,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, nâng số người tham gia chính sách này đạt 35,2% lực lượng lao động trong độ tuổi (hiện nay là 32,49%).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.