Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh

Hồng Hạnh| 08/04/2023 08:13

(HNM) - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa tổ chức hội nghị hướng dẫn xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2022-2023; hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2023-2024. Hỗ trợ tối đa cho cha mẹ học sinh, bảo đảm quyền lợi học tập tốt nhất cho học sinh là tinh thần được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương quán triệt tới 30 phòng giáo dục và đào tạo, hơn 200 trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Hướng dẫn học sinh lớp 9 ôn tập tại Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ). Ảnh: Quang Thái

Năm học 2023-2024, các nhà trường tuyển sinh trẻ mầm non và học sinh lớp 1, lớp 6 từ ngày 1-7-2023; còn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ diễn ra vào ngày 10 và 11-6-2023. Vấn đề được các nhà trường đặc biệt quan tâm trong triển khai công tác tuyển sinh là việc xác minh nơi cư trú, nơi thường trú của học sinh như thế nào để bảo đảm tiếp nhận đúng đối tượng học sinh, tránh tình trạng quá tải ở một số trường.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, các phòng giáo dục và đào tạo chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh tự kê khai các thông tin gồm mã định danh, nơi thường trú, nơi cư trú của học sinh. Sau đó, nhà trường tập hợp danh sách các học sinh cần phải xác minh thông tin cư trú, chủ động phối hợp với công an cấp xã trên địa bàn để rà soát, xác thực. Sở lưu ý các trường đẩy mạnh tuyên truyền để cha mẹ học sinh sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID (của cha, mẹ hoặc thành viên hộ gia đình có học sinh) để cung cấp thông tin cư trú cho học sinh; không yêu cầu cha mẹ học sinh phải cung cấp giấy xác nhận thông tin cư trú hoặc giấy thông báo mã định danh cá nhân của học sinh.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Hà Nội đối mặt với áp lực tuyển sinh khi số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đều tăng hơn so với năm học 2022-2023. Trong đó, số học sinh vào lớp 6 là hơn 188.000 em, tăng 38.800 em; số học sinh vào lớp 1 là hơn 156.000 em, tăng 11.600 em... Mối lo chung của các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường là đáp ứng đầy đủ nguyện vọng học tập, không để học sinh nào thiếu chỗ học.

Giải pháp được Hà Nội kiên trì triển khai là tuyển sinh theo tuyến như các năm trước. Phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm tham mưu UBND quận, huyện, thị xã phân tuyến tuyển sinh căn cứ số liệu điều tra về số lượng học sinh trong độ tuổi, điều kiện dạy học ở từng nhà trường. Giải pháp này cũng tránh được tình trạng có trường tuyển sinh vượt quá nhiều so với chỉ tiêu, có trường lại không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu, các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu UBND cấp quận phân tuyến tuyển sinh phù hợp và có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu ở các nhà trường, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở một số trường. Các nhà trường cũng cần chủ động phối hợp với chính quyền, công an địa phương xác minh thông tin cư trú đối với các trường hợp phát sinh trong quá trình tuyển sinh.

Theo ông Trần Thế Cương, năm đầu thực hiện các thủ tục xác minh thông tin cư trú có thể khiến một số phụ huynh lúng túng, ngành Giáo dục cam kết hỗ trợ tối đa cho cha mẹ học sinh và bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh. Trách nhiệm của cha mẹ học sinh là phải kê khai thông tin đầy đủ, chính xác, tránh trường hợp khai sai, đến khi công an xác minh thì học sinh đó không phải là đối tượng tuyển sinh của trường.

Trước tình huống khá phổ biến được các phòng giáo dục và đào tạo đề cập là sau khi kết thúc thời gian tuyển sinh, thậm chí đến sát ngày khai giảng năm học mới, vẫn có phụ huynh học sinh đến trường đăng ký tuyển sinh, ông Trần Thế Cương khẳng định: Trách nhiệm của ngành Giáo dục là bảo đảm quyền lợi học tập chính đáng của học sinh, các nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.