(HNM) - Thông tin vừa công bố quyết định môn lịch sử là môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022 của thành phố Hà Nội nhận được sự quan tâm của người dân Thủ đô. Để được xét tuyển vào trường trung học phổ thông công lập, học sinh phải thi đủ 4 bài thi của 4 môn, gồm: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và lịch sử. Tập trung ôn luyện, hỗ trợ tối đa về mọi mặt, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho học sinh tham dự kỳ thi là quyết tâm của các nhà trường trên địa bàn Thủ đô.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Việc xác định môn thi thứ tư của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022 được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chọn ngẫu nhiên bằng cách bốc thăm trong các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, giáo dục công dân và địa lý. Song, sự xuất hiện của môn lịch sử vẫn khiến không ít người bất ngờ, bởi môn này đã có trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội cách đây 2 năm.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Khánh Thượng (huyện Ba Vì) Nguyễn Đức Bình chia sẻ: "Dù có chút bất ngờ, nhưng giáo viên, học sinh của trường vẫn tự tin bởi đã chủ động dạy, học đồng đều, toàn diện các môn từ đầu năm học. Nhà trường quyết tâm dạy, học tốt, bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh".
Trong khi đó, là giáo viên lịch sử Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa), cô giáo Nguyễn Thị Hưởng cho rằng, lần thứ 2 môn lịch sử được chọn là môn thi tuyển sinh vào lớp 10, nên nhà trường đã có ngân hàng câu hỏi theo từng bài và chủ đề. Đây cũng là cơ hội để giáo viên phát huy tối đa năng lực, giúp học sinh thêm yêu môn lịch sử.
Trước một số băn khoăn về kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 có thể thấp do học sinh phải thi 4 môn, thay vì 3 môn như năm học trước trong điều kiện học tập khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, trong thời gian dịch diễn biến phức tạp, học sinh vẫn được học bài mới theo hình thức trực tuyến. Kết quả kiểm tra, dự giờ tại các nhà trường cho thấy, kế hoạch năm học được triển khai đúng tiến độ, học sinh đáp ứng tốt với chương trình học tập. Quyết định thi 4 môn là nhằm bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hạn chế hiện tượng học sinh học lệch.
Hỗ trợ học sinh tối đa
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập tại Hà Nội dự kiến diễn ra vào ngày 29 và 30-5-2021, sớm hơn vài ngày so với những năm học trước. Thời gian từ nay đến lúc đó không còn nhiều, vì vậy, các nhà trường trên địa bàn Thủ đô đang tập trung ôn tập cho học sinh.
Để chuẩn bị cho 300 học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi vào lớp 10 đạt kết quả cao, Trường Trung học cơ sở Khương Đình (quận Thanh Xuân) tổ chức ôn tập theo nhóm đối tượng và đẩy giờ vào lớp hằng ngày sớm hơn 30 phút. “Buổi sáng, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử đến trường hỗ trợ học sinh học từ 7h, thay vì 7h30 như các lớp khác. Buổi chiều, học sinh được chia thành nhóm nhỏ để ôn tập nhằm trang bị tốt nhất về kiến thức, kỹ năng cho các em”, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Khương Đình Đỗ Thị Việt Hiền chia sẻ.
Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (huyện Sóc Sơn) Phạm Thị Bích Diện, nhà trường ưu tiên 8 phòng học tốt nhất cho học sinh lớp 9. Cùng với việc tăng thời lượng dạy học, nhà trường tập trung tư vấn, giúp học sinh tìm hiểu về những định hướng học tập phù hợp nhất....
Em Nguyễn Thị Anh, học sinh Trường Trung học cơ sở Quảng An (quận Tây Hồ) bày tỏ: "Em được nhà trường phổ biến những quy định mới của kỳ thi và điểm chuẩn vào các trường vài năm gần đây. Những thông tin này giúp em vững tin, không bị cuốn theo số đông trong việc tìm hiểu, lựa chọn nguyện vọng".
Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, các thông tin về kỳ thi, môn thi, phạm vi đề thi đã được công bố rõ. Sở yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các nhà trường quan tâm, hỗ trợ học sinh tối đa; có giải pháp bồi dưỡng riêng cho từng nhóm đối tượng và đặc biệt quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có học lực yếu, kém.
“Các nhà trường phải bảo đảm quyền lợi học tập và đăng ký dự thi theo nguyện vọng của tất cả học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nghiêm cấm các nhà trường ép học sinh có học lực yếu làm đơn không tham dự kỳ thi, nếu phát hiện vi phạm Sở sẽ xử lý nghiêm khắc. Ngoài ra, các nhà trường cần tăng cường hướng dẫn học sinh tự học qua hệ thống học và thi trực tuyến (http://study.hanoi.edu);đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của dịch Covid-19 để học sinh không bị gián đoạn việc học tập”, ông Phạm Văn Đại lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.