Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền lợi của người lao động

Minh Vũ| 09/12/2021 06:15

(HNM) - Do nhiều nguyên nhân, các đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động chiếm tới 5,8% so với số phải thu. Để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đôn đốc thu, giảm nợ bảo hiểm xã hội.

Khi doanh nghiệp đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, quyền lợi của người lao động sẽ được bảo đảm. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty May 10 (quận Long Biên). Ảnh: Hà Hiền

Tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội tăng

Những năm qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đôn đốc thu, giảm nợ đóng bảo hiểm xã hội. Ngành Bảo hiểm xã hội liên tục công khai danh sách những đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Riêng giai đoạn 2018-2020, cả nước đã thực hiện 14.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó thu hồi được hơn 1.522 tỷ đồng tiền nợ đóng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, công tác đôn đốc thu bảo hiểm xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Thông qua việc rà soát dữ liệu của ngành, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp đưa hơn 150.000 lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vào danh sách những người tham gia bảo hiểm xã hội; thu hồi được 1.080 tỷ đồng tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, theo Trưởng ban Quản lý thu - sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Dương Văn Hào, đến hết tháng 11-2021, tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mới đạt 81,6% kế hoạch đề ra của năm 2021, trong khi tổng số nợ chính sách này lên tới hơn 20.000 tỷ đồng, bằng 5,8% tổng số tiền phải thu, tăng 0,4% so với tỷ lệ nợ cùng kỳ năm trước.

Từ thực tế triển khai chính sách, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật cho biết, nguyên nhân chính khiến tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội tăng là do dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Mặt khác, một số đơn vị, doanh nghiệp không chấp hành nghiêm quy định, cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng bảo hiểm xã hội không đúng mức quy định… Chính vì vậy, dù đã tích cực đôn đốc thu, song tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp diễn ra trong thời gian dài, phải tính lãi trên địa bàn Hà Nội chiếm gần 5% so với kế hoạch phải thu, tương ứng với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng.

Đáng quan tâm hơn, việc nợ đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía. “Với người sử dụng lao động, việc đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động và bảo đảm các quyền lợi chính đáng cho họ là giải pháp quan trọng để tạo dựng thương hiệu cho đơn vị, doanh nghiệp”, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự (Công ty cổ phần Santomas Việt Nam) Đỗ Thị Như Quỳnh nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp tăng nguồn thu, giảm nợ

Nhằm đôn đốc thu, giảm tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, các bên liên quan tiếp tục chung tay thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cơ quan thuế thường xuyên cung cấp thông tin về số lượng đơn vị, doanh nghiệp mới được thành lập, tạm dừng hoạt động hoặc đã dừng hoạt động đến cơ quan bảo hiểm xã hội, làm căn cứ để triển khai các biện pháp đôn đốc thu bảo hiểm xã hội…

Giải pháp khác được triển khai là ngành Bảo hiểm xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục các đơn vị, doanh nghiệp chủ động khắc phục tình trạng nợ bảo hiểm xã hội. Nếu đơn vị nào cố tình nợ đóng, trốn đóng hoặc đóng sai quy định, căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm tra, ngành Bảo hiểm xã hội sẽ đề xuất xử lý nghiêm, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đặc biệt, giải pháp chưa có tiền lệ đang triển khai là hỗ trợ giảm đóng một số chính sách về bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền mặt cho lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, góp phần tạo giá đỡ cho doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, bảo đảm việc làm, duy trì đóng bảo hiểm xã hội. Đến ngày 30-11-2021, cả nước có hơn 15 triệu lượt người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội với kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đón nhận nguồn lực hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Dung, công nhân Công ty TNHH May Hà Đông (huyện Đan Phượng) chia sẻ: “Tôi được hưởng nhiều quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội, nên tôi sẽ cố gắng tham gia chính sách này cho đến khi hết tuổi lao động”.

Cùng với những giải pháp đã, đang triển khai, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh lưu ý, toàn ngành phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương, các đại lý thu nắm sát tình hình dịch chuyển lao động để vận động họ tham gia bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, các bên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điện tử về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tại các đơn vị, doanh nghiệp, góp phần tăng nguồn thu, giảm đến mức thấp nhất tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền lợi của người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.