(HNM) - Thảo luận tại hội trường ngày 21-3, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục kiến nghị làm rõ một số quy định để bảo đảm quyền được cung cấp thông tin và an toàn cho nhà báo trong quá trình tác nghiệp.
Các nhà báo đang tác nghiệp trong một sự kiện tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Tấn Thạnh |
Cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí là vấn đề được nhiều ĐB đề nghị làm rõ hơn, bởi trên thực tế, phóng viên nói riêng, cơ quan báo chí nói chung vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với nguồn tin (thông qua đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; người phát ngôn…) dù đã có quy định phải cung cấp thông tin định kỳ...
Các ĐB: Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng), Huỳnh Văn Tính (Đoàn Tiền Giang) phản ánh, không ít cơ quan, đơn vị chậm trả lời, hồi âm báo chí về những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực tại đơn vị mình; cử người không làm đúng chức năng tiếp, trả lời báo chí hoặc tìm cách né tránh. Đó là lý do cơ quan báo chí nói thông tin một kiểu, thông tin không chính xác.
"Tôi kiến nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ trong luật về thời hạn trả lời để báo chí kịp thời phản ánh các vấn đề tới bạn đọc cả nước" - ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy kiến nghị. ĐB Huỳnh Văn Tính đề nghị thêm: "Các quy định liên quan đến cung cấp thông tin cho báo chí còn chung chung, do vậy tôi đề nghị cần quy định rõ. Đồng thời bổ sung quy định xử lý hình sự với trường hợp hành hung nhà báo… nhằm bảo đảm quyền tác nghiệp và an toàn cho nhà báo". ĐB Nguyễn Văn Phúc (Đoàn Hà Tĩnh) kiến nghị nên có thêm quy định bảo vệ nhà báo tác nghiệp, để tránh việc nhà báo bị hành hung.
Cũng liên quan đến hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nhà báo, một số ĐB đề nghị rút ngắn thời hạn cấp thẻ nhà báo với lý do cả người được cấp thẻ và người chưa được cấp thẻ nhà báo đều phải tác nghiệp như nhau, không có sự phân biệt. "Những người mới vào nghề, chưa có thẻ nên không thuận lợi trong tác nghiệp, vì vậy dự thảo cần bổ sung quy định để bảo vệ người làm báo" - ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) băn khoăn về 13 hành vi bị cấm (quy định tại Điều 9 dự thảo luật). Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, nhiều quy định cấm khá "mông lung", gây lúng túng cho người thực hiện và kiến nghị, nhà báo được liên hệ với những người tham gia tố tụng (luật sư, thẩm phán, điều tra viên) khi vụ án đưa ra xét xử để không hạn chế quyền của báo chí. Đáng chú ý, theo ĐB Phạm Đức Châu (Đoàn Quảng Trị), cần quy định rõ quyền được khai thác thông tin của nhà báo, ví dụ khai thác thông tin qua camera… trong sử dụng các phương tiện tác nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, các ý kiến góp ý thảo luận sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu và trả lời ĐB trước khi dự thảo luật được thông qua tại kỳ họp này.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng): Điều 12 dự thảo luật quy định về trách nhiệm của cơ quan báo chí đăng, phát kiến nghị của công dân và nếu không đăng thì trả lời, nêu rõ lý do nếu có yêu cầu… Tôi cho rằng quy định này không khả thi vì hiện nay việc kiến nghị, khiếu kiện của bạn đọc rất lớn, không cơ quan báo chí nào có khả năng đăng, trả lời toàn bộ. Thậm chí, nếu không sàng lọc, thẩm tra kỹ, sẽ đưa thông tin không chính xác, sai sự thật… ĐB Hà Minh Huệ (Đoàn Bình Thuận): Hiện nay có không ít phóng viên, nhà báo sử dụng mạng xã hội để phản ánh những điều không đúng với những thông tin chính thống mình viết trên báo, như vậy là không đúng với đạo đức nghề nghiệp… Vì vậy, tôi đề nghị nên bổ sung quy định về nghĩa vụ của nhà báo tại Điều 25, đó là nhà báo không sử dụng mạng xã hội, không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.