Nghị quyết và Cuộc sống

Bảo đảm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống

Tiến Thành 06/09/2023 - 13:00

Sáng 6-9, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

hn1.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành trung ương.

hn2.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải và các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

hn3.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hội nghị đánh giá về công tác triển khai đối với 52 luật, nghị quyết, bao gồm 23 luật, 29 nghị quyết, trong đó, có 15 luật, 21 nghị quyết được thông qua từ đầu nhiệm kỳ cho đến trước kỳ họp thứ năm và 8 luật, 8 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ năm. Một số nghị quyết về nhân sự, về chương trình giám sát và thành lập đoàn giám sát chuyên đề sẽ không thuộc phạm vi của hội nghị này.

Để hội nghị đạt được kết quả tích cực, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, các đại biểu tham dự phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, thảo luận thẳng thắn, xây dựng, khách quan. Các báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu cần phản ánh sâu sắc, rõ nét, chính xác những kết quả đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, cùng trao đổi, thống nhất những giải pháp khả thi, thiết thực, tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác triển khai, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

hn4.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay đã ban hành 1.010 văn bản

Về tình hình tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ tư, trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 50 văn bản để quy định chi tiết 20 luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Kết quả, tính đến ngày 15-8-2023, số văn bản đã được ban hành là 37 văn bản, còn lại 11 văn bản chưa được ban hành. Trong số 37 văn bản được ban hành, có 9/37 văn bản bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ phải xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành 37 văn bản quy định chi tiết 9 luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ năm. Trong đó, có 3 luật, nghị quyết có hiệu lực từ rất sớm (1-8-2023 và 15-8-2023). Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành 6 văn bản.

Về tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nguyên nhân do một số cơ quan chủ trì chưa chủ động, chưa trù liệu hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, các chuyên gia trong việc xây dựng, ban hành văn bản. Nhiều văn bản là nợ từ các kỳ báo cáo trước, có nhiều nội dung phức tạp, cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp có thẩm quyền. Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi…

hn5.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định báo cáo đánh giá tình hình triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội.

Báo cáo đánh giá tình hình triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, công tác tổ chức triển khai của Chính phủ đối với một số luật, nghị quyết còn chậm; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại một số bộ, ngành chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng một số văn bản chưa bảo đảm, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập, gây vướng mắc, cản trở sự phát triển; vẫn còn tình trạng sử dụng hình thức văn bản hành chính để quy định nội dung có tính quy phạm pháp luật...

hn6.jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tham luận tại hội nghị.

Khẩn trương xây dựng các văn bản thi hành luật

Tham luận về công tác triển khai thực hiện trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân trong toàn hệ thống.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với 1.300.758 lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, góp ý vào hầu hết các nội dung của toàn bộ dự thảo. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều khoản trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, còn cho ý kiến đối với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khi có đề nghị của các cơ quan chủ trì soạn thảo, trong đó có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2023, việc triển khai thực hiện Luật là một nhiệm vụ rất quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó, nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tham gia góp ý nhằm hoàn thiện “Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” và “Nghị định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư”, bảo đảm các quy định trong Nghị định thể hiện đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

hn7.jpg
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu tham luận.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước kỳ họp thứ năm, để triển khai thi hành 5 luật, nghị quyết, Trung tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an được giao chủ trì xây dựng 4 nghị định của Chính phủ, 6 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an. Đến nay, Bộ Công an đã trình Chính phủ ban hành 3 nghị định, 5 thông tư và đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 1 nghị định, 1 thông tư. Tại kỳ họp thứ năm, trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Công an được giao chủ trì xây dựng 7 văn bản quy định chi tiết thi hành 2 luật. Đến nay, 7 văn bản đều đã được ban hành bảo đảm đúng tiến độ để có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với hiệu lực thi hành của các luật vào ngày 15-8-2023.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.