Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trong ngày Tết

Thu Trang| 20/01/2023 06:19

(HNM) - Tết là thời điểm chế độ sinh hoạt của mọi gia đình, trong đó có trẻ em bị đảo lộn. Hơn nữa, trong những ngày nghỉ Tết, trẻ được ăn uống thỏa thích các món ăn chứa nhiều chất đạm, đường, béo nên dễ gây ra các vấn đề về sức khỏe như: Tiêu chảy, ngộ độc, đầy bụng, thiếu chất... Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Nhân viên y tế Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tư vấn dinh dưỡng cho trẻ thừa cân, béo phì. Ảnh: Phương Thu

Bác sĩ Trần Châu Quyên, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, vấn đề dễ thấy nhất trong bữa ăn ngày Tết là sự mất cân bằng dinh dưỡng. Các gia đình thường tích trữ quá nhiều thức ăn chứa chất bột đường (bánh chưng, bánh nếp, bánh tét, xôi…); chất đạm (thịt đông, thịt gà, thịt kho tàu, giò, chả…), cùng cách chế biến xào, chiên, rán khiến cho lượng dầu mỡ luôn ở mức cao. Trong khi đó, những món rau, củ, quả, trái cây thì quá ít so với những thực phẩm trên.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, những món ăn ngày Tết đa phần đều giàu năng lượng, nhưng thiếu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều những thực phẩm này có thể khiến trẻ tăng cân, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu chất, hay còn gọi là suy dinh dưỡng thể ẩn.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) chỉ ra rằng, trẻ em không nên tiêu thụ quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Trong khi đó, một lon nước ngọt, 40-50 gram mứt hay 14 viên kẹo sẽ chứa khoảng 145 kcal, gần bằng một bát cơm. Việc ăn thoải mái bánh, mứt, kẹo hay uống nước ngọt có gas trong dịp Tết không chỉ khiến trẻ bị đầy bụng, bỏ bữa ăn chính, mà còn có nguy cơ gây hại đến sức khỏe và giảm đề kháng vì cơ thể không được cung cấp đủ dưỡng chất.

Bác sĩ Trịnh Thị Huyền, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, cứ sau mỗi dịp Tết, trẻ đến khám tại Khoa Khám trẻ em của Viện Dinh dưỡng quốc gia thường có biểu hiện rơi vào tình trạng thừa cân, béo phì do ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ uống có gas hoặc sụt cân, suy dinh dưỡng vì “nạp” nhiều bánh, kẹo gây rối loạn tiêu hóa hay ăn ít rau, quả gây táo bón. Do đó, giữ được tốc độ tăng trưởng bình thường cho trẻ trước, trong và sau lễ Tết là điều rất quan trọng.

Theo khuyến cáo của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai, ngày Tết cần hạn chế cho trẻ ăn các loại bánh, kẹo, nước ngọt, mứt, lạp xưởng, thức ăn cũ... Đây là những thực phẩm cung cấp năng lượng rỗng, thiếu vitamin và khoáng chất, ít chất xơ, chứa nhiều muối, đường và có thể không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, không nên cho trẻ nhỏ ăn các loại hạt dưa, hạt bí, hướng dương... vì dễ gây sặc và hóc.

Các chuyên gia cũng cho rằng, vào những ngày nghỉ Tết, các bậc phụ huynh nên cố gắng giữ cho trẻ giờ giấc sinh hoạt đều đặn, đừng quá chênh lệch so với những ngày bình thường. Nên duy trì cho trẻ ngày 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn phụ. Bữa ăn nên cân đối 4 nhóm dưỡng chất: Bột đường (cơm, cháo, các loại đậu, củ, hạt...); đạm (thịt cá, trứng, hải sản, đậu nành...); chất béo (mỡ, dầu thực vật, bơ...) và vitamin, khoáng chất (các loại rau xanh, trái cây...). Đặc biệt, trong các bữa ăn ngày Tết, nên chú ý bổ sung đủ rau xanh hoặc có thể thay thế bằng quả chín.

“Để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và tăng cảm giác ngon miệng, cần bảo đảm các món ăn của trẻ phải được nấu mới và cho trẻ ăn ngay khi vừa nấu chín. Cố gắng thay đổi món ăn, đa dạng thực phẩm và cách chế biến cho trẻ. Đặc biệt, tránh cho trẻ ăn quá nhiều bánh, kẹo, uống nước ngọt… Ngoài ra, các bậc phụ huynh chú ý cho trẻ uống đủ nước, có thể là nước lọc, nước hoa quả ép, hạn chế nước ngọt và đồ uống có gas, đồ uống có tính kích thích như trà, cà phê và không dùng đồ uống có cồn”, bác sĩ Trịnh Thị Huyền lưu ý.

Nếu gia đình tổ chức đi du xuân, các bác sĩ khuyến cáo, nên tìm hiểu trước nguồn thực phẩm tại nơi đến, tránh để trẻ ăn những món ăn quá khác biệt so với thường ngày. Bởi, hệ tiêu hóa của trẻ chưa đủ hoàn thiện để thích nghi nhanh với thức ăn lạ. Cụ thể, với trẻ dưới 1 tuổi nên cho trẻ bú mẹ hoặc bú sữa công thức đang sử dụng. Trẻ 1-3 tuổi chỉ nên uống sữa, ăn cháo, cơm và những món quen thuộc như đã từng ăn ở nhà. Trẻ trên 3 tuổi, có thể cho ăn theo thực đơn quen thuộc cùng gia đình và cần lưu ý về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trong ngày Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.