Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

Thanh Hiền| 07/11/2021 07:26

(HNM) - Để chủ động nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ tốt nhu cầu của người dân trên địa bàn Thủ đô dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thành phố Hà Nội đã chủ động các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan về vấn đề này.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào

- Những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, hoạt động thương mại thường sôi động. Xin bà cho biết việc cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết sắp tới được chuẩn bị như thế nào?

- Để bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác nguồn hàng của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, triển khai phương án dự trữ hàng hóa bảo đảm đủ nguồn hàng phục vụ Tết, ưu tiên các hàng hóa Việt Nam; tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đồng thời, thành phố tiếp tục duy trì phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường), vừa bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết, vừa sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết gồm: 278.910 tấn gạo, 57.780 tấn thịt lợn hơi, 18.594 tấn thịt gà, 16.050 tấn thịt bò, 372.000 quả trứng gia cầm, 309.900 tấn rau củ, 57.750 tấn thủy sản, 15.495 tấn thực phẩm chế biến, 156.000 tấn trái cây, 1.500 tấn bánh mứt kẹo... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng.

- Khi đó, các kênh phân phối sẽ được tổ chức ra sao, thưa bà?

- Hoạt động phân phối hàng hóa được phát triển rộng khắp với nhiều hình thức, không chỉ qua kênh bán hàng truyền thống (hệ thống 28 trung tâm thương mại; 123 siêu thị; 449 chợ; 1.800 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa; 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố), mà còn được tổ chức qua các kênh trực tuyến như website, đường dây nóng, ứng dụng trên thiết bị di động… Dự tính có khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức này.

Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, thành phố Hà Nội chuẩn bị 2.500 điểm sẵn sàng bố trí làm kho và nơi bán hàng lưu động; chuyển các điểm bán mặt hàng không thiết yếu (cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

- Nhu cầu mua sắm cuối năm thường tăng cao, các cơ sở sản xuất, mua sắm lại là nơi tập trung đông người. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở Công Thương đã có hướng dẫn gì để bảo đảm sản xuất, mua sắm an toàn, thưa bà?

- Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất, kinh doanh, giao nhận, vận chuyển hàng hóa, Sở Công Thương đã hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm an toàn sản xuất; hướng dẫn quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; quy trình đóng cửa, ngừng hoạt động và mở cửa trở lại đối với các điểm bán hàng khi xuất hiện trường hợp F0.

Chúng tôi cũng ban hành bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội và các hướng dẫn về thực hiện quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Theo tôi, điều quan trọng nữa là người dân cần tự giác tuân thủ nghiêm nguyên tắc “5K”, khai báo bằng mã QR khi đến các điểm mua sắm, luôn nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa

-  Hằng năm, thành phố Hà Nội thường tổ chức các sự kiện khuyến mại, bán hàng lưu động… Năm nay, việc này được triển khai cụ thể thế nào, thưa bà?

- Trong thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng phục vụ Tết theo các hình thức phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ngoài việc chỉ đạo doanh nghiệp, đơn vị phân phối tổ chức các điểm bán hàng bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định và tuân thủ yêu cầu phòng, chống dịch, chúng tôi cũng phối hợp tổ chức các phiên chợ, các chuyến bán hàng lưu động phục vụ Tết tại khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức các chợ hoa xuân. Đặc biệt, chúng tôi sẽ triển khai “Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội” năm 2021 và các sự kiện kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phân phối tổ chức các chương trình khuyến mại, hội chợ Tết phù hợp phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân.

Về hoạt động liên kết tạo nguồn cung hàng hóa ổn định, Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan tiếp tục giới thiệu đầu mối, nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh đến hệ thống phân phối, chợ dân sinh, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội; hỗ trợ các tỉnh tổ chức điểm bán sản phẩm tại Hà Nội trong thời điểm thích hợp; phối hợp chặt chẽ với sở công thương các tỉnh để chủ động nắm nguồn cung mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đưa về Hà Nội để đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong dịp Tết của nhân dân Thủ đô.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở Công Thương tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2021 và chương trình dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai; chủ động xây dựng các phương án hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp vận chuyển, điều phối hàng hóa phục vụ nhân dân; bám sát diễn biến thực tế cung - cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng có thể bị mất cân đối cung - cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời tham mưu UBND thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương có biện pháp xử lý kịp thời. Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn kết thương mại điện tử với loại hình thương mại truyền thống; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến để mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm.

- Vậy còn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được triển khai thế nào, thưa bà?

- Trong thời gian tới, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định đối với hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại và khuyến mại trên địa bàn thành phố gắn với yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với các lực lượng chức năng, sở, ngành, quận, huyện, thị xã để kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, công tác quản lý giá… Đây cũng là vấn đề quan trọng trong dịp cuối năm và trước Tết Nguyên đán.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.