Chính trị

Bảo đảm cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Tiến Thành 20/09/2023 - 12:48

Sáng 20-9, thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật với những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô.

nguyenduchai.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải:
Tạo cho Thủ đô nguồn lực tương ứng với quy mô

Tinh thần chúng ta thấy là luật này quy định vị trí đặc biệt của Thủ đô, nên theo quan điểm của tôi thì đây là luật đặc thù hoặc đây là luật riêng, các cơ chế đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội thì đó là cơ chế riêng mà ta không thể so sánh về quy mô, vị trí.

Nhiều thủ đô của các nước họ chỉ có 100.000 dân, nhưng họ có một cơ chế rất đặc biệt để làm sao phát triển trung tâm chính trị. Riêng Thủ đô của chúng ta thì lại đặc biệt, vì có nghìn năm văn hiến về lịch sử và là Thủ đô về văn hóa. Tôi hoàn toàn nhất trí là tiếp tục sửa Luật Thủ đô nhưng các cơ chế trong dự thảo chưa đủ mạnh và chưa phải là cái riêng, cái đặc biệt. Còn nếu đặc thù như các nơi khác lại áp dụng được cho Thủ đô thì lại dưới tầm.

Cho nên phải tạo cơ chế đột phá giúp Thủ đô vươn lên. Hơn nữa, trước đây Quốc hội đã đột phá mở rộng quy mô của Thủ đô thì bây giờ phải làm sao có nguồn lực tương ứng với sự phát triển của quy mô đó. Nếu Thủ đô vẫn tiếp tục sử dụng các cơ chế bình thường với các phân cấp bình thường thì sẽ không có nguồn lực phát triển.

nguyendacvinh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh:
Quy định toàn diện hơn để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa

Về quy định xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa, chúng tôi còn băn khoăn. Thứ nhất, thiết chế để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa chỉ đặt vấn đề một trung tâm này thì có được toàn diện, đầy đủ hay không; nhất là trong 12 lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa, chỉ xác định một số lĩnh vực, nhưng tại sao không xác định một cách toàn diện hơn, những vấn đề khác cũng rất quan trọng.

Quan điểm của chúng tôi là cần quy định phát triển các thiết chế văn hóa, thiết chế để phát triển công nghiệp văn hóa, hỗ trợ về hạ tầng, không gian văn hóa và về nhân lực để phát triển công nghệ văn hóa thì sẽ bảo đảm toàn diện hơn. Nếu chỉ đặt vấn đề là xây dựng một trung tâm công nghiệp văn hóa mà chưa rõ mô hình tổ chức thế nào, các quy định thiết chế này nó ra làm sao thì cần nghiên cứu thêm và chúng tôi nghĩ là theo hướng quy định toàn diện hơn để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa.

nguyenthuyanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh:
Cần có những quy định thúc đẩy bình đẳng giới

Nhất trí với quan điểm Thủ đô cần có các chính sách đặc thù vượt trội để đem lại những kết quả đột phá, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô và góp phần tạo ra động lực dẫn dắt cho các địa phương khác trong vùng và cả nước. Tuy nhiên, các quy định đặc thù cần được đặt trong tổng thể chung để bảo đảm sự thống nhất về chủ trương và nguyên tắc điều chỉnh đối với từng lĩnh vực cụ thể của hệ thống pháp luật.

Về liên quan lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật, trong báo cáo, Ban soạn thảo khẳng định, các quy định của dự thảo Luật không có nguy cơ gây bất bình đẳng giới khi được thi hành. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, vấn đề giới trong dự thảo Luật thể hiện ở nội dung về nguồn nhân lực, tổ chức và hoạt động của chính quyền Thủ đô không chỉ có quy định chung về giới mà cũng cần có những quy định thúc đẩy bình đẳng giới để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong các lĩnh vực, ngành nghề luôn là ưu thế của nam giới trong phát triển Thủ đô.

Ví dụ như về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó không phân biệt nam, nữ, nếu có tài năng đặc biệt thì được tạo điều kiện tương tự đối với ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

letantoi.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới:
Bổ sung quy định về không gian ngầm

Quan điểm của chúng tôi cho rằng, đối với Thủ đô thì không gian ngầm gắn với quản lý xây dựng không gian ngầm, với công tác phòng thủ dân sự và bảo đảm yếu tố bảo vệ Thủ đô. Yếu tố quốc phòng, an ninh trong thời gian trước mắt và lâu dài rất quan trọng, do đó tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung quy định về không gian ngầm phải gắn với công tác xây dựng, quản lý, điều này rất cần thiết.

Tôi cho rằng, các chính sách đặc thù của Thủ đô cao hơn so với các địa phương khác là rất cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định đặc thù về quốc phòng, an ninh, đặc biệt là về an ninh trật tự thì chưa được vượt trội hơn. Bởi vì đặc thù của Thủ đô là phải bảo vệ tuyệt đối an toàn để phát triển.

Về hình thức cắt điện, nước đối với công trình vi phạm, tôi cho rằng việc này không lớn nhưng liên quan đến quyền của con người, quyền công dân và đa số người dân, khó thực hiện. Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định này khi đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.