(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 242/UBND-ĐT về rà soát Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô; công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, việc duy trì vệ sinh môi trường và đôn đốc các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo chỉ đạo của UBND thành phố, về việc rà soát Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở: Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc và các cơ quan liên quan nghiên cứu, triển khai thực hiện nhiệm vụ số 23, phụ lục 2 Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025”.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện trên cơ sở phù hợp với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, nội dung về bảo vệ môi trường trong Quy hoạch vùng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt là sớm hoàn thành công tác tiếp nhận chức năng quản lý chất thải rắn thông thường trong quý I-2022…
Liên quan đến công tác duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, UBND các quận, huyện, thị xã trên cơ sở hồ sơ thầu các gói duy trì vệ sinh môi trường, hướng dẫn của các sở, ngành chuyên môn và tình hình thực tế của địa phương chịu trách nhiệm tăng cường vai trò quản lý, giám sát.
Cụ thể, rà soát, xây dựng phương án thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp; bố trí các thùng thu chứa rác, điểm tập kết hợp lý hạn chế ảnh hưởng đến giao thông, nghiên cứu bố trí quỹ đất thực hiện đầu tư các trạm trung chuyển, chuyển tải phù hợp với phương thức thu gom theo hướng tăng cường cơ giới hóa; kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm (đổ trộm, trộn lẫn chất thải...) gây mất vệ sinh môi trường. Bảo đảm chỉ tiêu thu gom 100% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn.
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường; đồng thời xem xét giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc liên quan đến gói thầu duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn, bảo đảm đủ kinh phí triển khai thực hiện theo quy định…
Trong công văn này, UBND thành phố cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể liên quan đến công tác quản lý, vận hành các khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì) và đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện một số dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.