(HNM) - Chưa bao giờ hoạt động khởi nghiệp, khởi sự sản xuất - kinh doanh đối với người dân trên địa bàn thủ đô lại thuận tiện như hiện tại. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ và UBND TP Hà Nội, chắc chắn số lượng doanh nghiệp ra đời sẽ ngày càng tăng theo thời gian.
Làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: Mạnh Hùng |
Những chuyển biến tích cực
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp mới đang tiếp đà gia tăng, thể hiện xu thế phát triển của phong trào khởi nghiệp nói chung. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm nay, Hà Nội có thêm 10.530 doanh nghiệp mới thành lập, với tổng vốn đăng ký hơn 79 nghìn tỷ đồng, tăng 12% về số lượng và 6% về vốn so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả này nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn đến nay đạt hơn 218 nghìn đơn vị và đưa Hà Nội đứng trong danh sách các địa phương dẫn đầu về số doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
Đáng lưu ý, số lượng hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp bằng phương thức qua mạng điện tử, trực tuyến hiện nay đạt tỷ lệ 71%, tức gấp khoảng 7 lần so với yêu cầu của Chính phủ. Đây là bước chuyển biến rất tích cực, cho thấy tác dụng to lớn của việc ứng dụng công nghệ thông tin nói riêng và hiệu quả hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của thành phố nói chung. Điều này cũng lý giải vì sao từ hai năm trước đến nay, Chính phủ vẫn đánh giá Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về công tác hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cải cách hành chính, giảm số thời gian thực hiện thủ tục cho các đơn vị.
Theo ông Nguyễn Tiến Học, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực tế trên cho thấy, xu hướng đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, vì vậy đặt ra yêu cầu quản lý một cách hiệu quả đối với doanh nghiệp trên địa bàn.
Tăng cường chất lượng hậu kiểm
Công tác quản lý doanh nghiệp đòi hỏi sự chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan hữu quan, từ cấp trung ương xuống địa phương trên tinh thần liên tục. Theo ông Nguyễn Khắc Huy, Trưởng phòng Giám sát (Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay cách quản lý đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi tham gia thị trường. Đây là một chủ trương, cách làm phù hợp với thông lệ chung, đáp ứng nhu cầu các đơn vị kinh doanh.
Tất nhiên, dù là hậu kiểm nhưng không đồng nghĩa với buông lỏng; bảo đảm quyền tự do kinh doanh chính đáng của doanh nghiệp nhưng vẫn phải trong khuôn khổ pháp luật quy định. Về phía cơ quan chức năng, cần xác định công tác hậu kiểm là nhằm nắm bắt tình hình, đánh giá thực tiễn hoạt động để làm tốt công tác quản lý, kết hợp bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp; tuyệt đối tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, đến nay vẫn có những trường hợp doanh nghiệp bỏ đi khỏi địa chỉ đăng ký, vi phạm pháp luật, chậm, trốn nộp thuế, bên cạnh tình trạng tranh chấp, khiếu kiện với nhau hoặc với cơ quan, cá nhân khác, nếu không kịp xử lý sẽ nảy sinh vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín, môi trường kinh doanh trên địa bàn. Thực tế có không ít trường hợp vi phạm, nhưng số lượng doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn ít và hầu hết vẫn dừng ở mức thông báo vi phạm.
Đơn cử, Phòng Đăng ký kinh doanh đã ra thông báo đối với 300 doanh nghiệp có hành vi vi phạm thuộc trường hợp cần rút giấy phép. Ngoài ra, đơn vị này cũng đề nghị cơ quan công an xác minh hành vi giả mạo hồ sơ đăng ký kinh doanh của một số đơn vị, đồng thời đã thực hiện trình tự thu hồi giấy chứng nhận đối với 6 trường hợp mua bán hóa đơn. Riêng năm 2016, Phòng Đăng ký kinh doanh cũng yêu cầu 94 doanh nghiệp tự giác rút ngành nghề kinh doanh có điều kiện do doanh nghiệp vi phạm quy định, hoặc đã bị cơ quan chức năng thu hồi, rút giấy phép kinh doanh có điều kiện.
Đến nay, công tác hậu kiểm còn gặp khó khăn do hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, một số chức năng cần tiếp tục bổ sung, cập nhật, nên gây khó cho các cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc cung cấp đầy đủ thông tin quản lý theo quy định. Điều này càng căng thẳng hơn trong bối cảnh của một địa phương có nhiều doanh nghiệp như Hà Nội. Mức xử phạt vi phạm còn thấp, không đủ sức răn đe, khiến doanh nghiệp “nhờn” và cố tình tái phạm nhiều lần. Về chủ quan, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm của doanh nghiệp chưa chặt chẽ, dẫn đến hành vi vi phạm của doanh nghiệp kéo dài.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần siết chặt công tác phối hợp, hoàn thiện đồng bộ hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh và thực hiện trao đổi thông tin, cũng như tăng cường chất lượng hậu kiểm. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh yêu cầu tham gia ý kiến, sự phản hồi, giám sát từ phía cộng đồng về những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, từ đó nhân lên những điển hình tốt và kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.