Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm chất lượng dạy và học

Hữu Tiến| 13/02/2023 06:27

(HNM) - Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022”. Kết quả cho thấy, thành phố Hà Nội đã và đang tập trung thực hiện tốt các mục tiêu cơ bản của đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bảo đảm chất lượng dạy và học...

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội giám sát tại Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn (quận Đống Đa).

Quan tâm, tạo điều kiện cho ngành Giáo dục

Tại các buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đều nhấn mạnh, mục tiêu cơ bản của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là đổi mới tư duy đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, phương pháp quản lý, quản trị nhà trường. Đây là khâu có tính chất quyết định để đánh giá ngắn hạn kết quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Thông tin đến đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, tạo điều kiện để ngành Giáo dục và Đào tạo nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ dạy, học. Các quận, huyện, thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới trường, lớp phù hợp với tốc độ tăng dân cư trong khu vực. Đặc biệt, nhiều quận, huyện đã đầu tư, trang bị những thiết bị dạy học hiện đại nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

“Thành phố luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. 100% giáo viên dạy các lớp theo chương trình đổi mới giáo dục phổ thông được tập huấn đầy đủ. Công tác chuẩn bị cho việc giảng dạy chương trình đổi mới giáo dục phổ thông được coi trọng. Các nhà trường đã lựa chọn đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn, chuyên môn vững, có nhiều năm kinh nghiệm để giảng dạy chương trình mới”, ông Phạm Xuân Tiến nói.

Cô giáo Ngô Thị Trà Hương (Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn, quận Đống Đa) chia sẻ, thực hiện quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, các thầy, cô giáo Trường Trung học cơ sở Bế Văn Đàn đã chủ động nâng cao trình độ, sáng tạo học liệu, ứng dụng chuyển đổi số, phần mềm dạy học... Bên cạnh đó, dù có nhiều bộ sách nhưng các giáo viên đã linh hoạt trong sử dụng sách giáo khoa, học liệu cho học sinh trên cơ sở bám sát chương trình đổi mới.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho rằng, yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực là chủ trương xuyên suốt của đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tại quận Ba Đình, tính năng động, đổi mới, sáng tạo, chủ động, dân chủ của các nhà trường đã thấm nhuần tới đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, tư duy quản trị nhà trường của cán bộ quản lý được đổi mới không ngừng. Phương pháp dạy học của giáo viên bắt kịp với định hướng đổi mới...

Tập trung giải quyết những vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thành phố Hà Nội còn một số vướng mắc trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó, còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Một số trường có tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình thấp, chưa đạt tỷ lệ giáo viên/lớp bảo đảm để tổ chức thuận lợi dạy học 2 buổi/ngày.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) Bùi Thị Thủy cho biết thêm, do không có sách giáo khoa, tài liệu tham khảo còn hạn chế, chưa đồng bộ nên giáo viên bộ môn giáo dục địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy, cung cấp kiến thức cho các em học sinh.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương thông tin, tài liệu giáo dục địa phương của lớp 1, lớp 2, lớp 6 đã được biên soạn xong nhưng việc in ấn và phát hành còn khó khăn. Hiện các hình thức in ấn, phát hành, gồm: Toàn bộ kinh phí do ngân sách thành phố chi trả; thành phố chi trả kinh phí làm giáo trình, còn in ấn, phát hành thì thực hiện theo hình thức xã hội hóa; thực hiện in ấn, phát hành theo hình thức xã hội hóa 100%.

Trước tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số nơi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục giao các ngành chức năng nghiên cứu cơ chế, chính sách để đáp ứng đủ số giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy và học.

Để việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được triển khai hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm rà soát, bố trí mạng lưới các cơ sở giáo dục hợp lý, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của người dân về trường học; sử dụng hiệu quả nhất nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục. Với những danh mục đã thông qua chủ trương đầu tư cần khẩn trương thực hiện với trách nhiệm cao nhất. Đoàn giám sát cũng gợi ý Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành văn bản nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm chất lượng dạy và học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.