Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm chất lượng ''đầu vào'' đại học

Thống Nhất| 25/08/2020 06:13

(HNM) - Đến thời điểm này, công tác chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 trên cả nước đã hoàn thành. Cùng với các địa phương, Hà Nội đã tổ chức kỳ thi và chấm thi nghiêm túc, bảo mật, an toàn. Kết quả này là căn cứ vững chắc bảo đảm chất lượng “đầu vào” đại học cho kỳ tuyển sinh năm nay.

Hà Nội triển khai nhiều giải pháp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 bảo đảm nghiêm túc, thực chất, làm căn cứ cho các trường đại học yên tâm tuyển sinh. Ảnh: Đỗ Tâm

Dứt mối lo mang tên “địa phương”

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 diễn ra trong bối cảnh không có nhiều thuận lợi bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục, giảm khó khăn cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học, tinh giản nội dung chương trình. Đây cũng là năm đầu tiên kỳ thi được giao toàn quyền cho địa phương tổ chức, không còn sự tham gia phối hợp giữa địa phương với trường đại học theo tỷ lệ 50-50 ở các khâu sao in đề thi, coi thi, chấm thi như những năm trước.

“Khác với mối lo ban đầu về việc có thể sẽ phải tham dự nhiều kỳ thi riêng, em rất mừng bởi năm nay các trường đại học, kể cả trường ở tốp đầu vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh. Bởi vậy, em và các bạn đã dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để có được kết quả tốt nhất”, em Trần Minh Tuấn, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (quận Ba Đình) chia sẻ. 

Để giải quyết mối lo mang tên “địa phương”, tạo niềm tin cho các trường đại học yên tâm sử dụng kết quả để tuyển sinh, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc quy chế thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp quyết liệt ở tất cả các khâu, trong đó tập trung vào yếu tố con người. Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) Vũ Đình Hà, việc đổi chéo cán bộ coi thi giữa các địa bàn để bảo đảm giáo viên không coi thi học sinh của mình; lãnh đạo điểm thi không làm nhiệm vụ tại nơi có giáo viên, học sinh của mình đã giúp công tác điều hành minh bạch, công tâm, hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh tiêu cực.

Công tác giám sát kỳ thi được tăng cường không chỉ ở khâu coi thi mà còn ở khâu chấm thi. Trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát toàn bộ khâu chấm thi tại Hà Nội, ông Trần Văn Thịnh, Trưởng đoàn Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai nghiêm túc các quy định của Bộ trong công tác chấm thi, bảo đảm an ninh, bảo mật và an toàn về mọi mặt. 

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tinh giản nội dung chương trình đã góp phần giúp các thí sinh hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. Ảnh: Nhật Nam

Yên tâm sử dụng kết quả kỳ thi 

Không trực tiếp tham gia coi thi, chấm thi mà làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 tại địa phương, các trường đại học đều bày tỏ sự yên tâm, tin tưởng sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh và tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

Nằm trong tốp những trường có “đầu vào” cao, năm nay, Trường Đại học Ngoại thương tuyển sinh theo 5 phương thức với tổng 3.950 chỉ tiêu, trong đó có 1.955 chỉ tiêu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, “đầu vào” là một trong những yếu tố sàng lọc thí sinh cho phù hợp với từng chuyên ngành. Bên cạnh tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi, nhà trường có rất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó mỗi ngành lại chọn những điểm nhấn riêng để tập trung đầu tư, giúp sinh viên phát huy thế mạnh. Chẳng hạn, với ngành Quản trị khách sạn, nhà trường tập trung rèn luyện, nâng cao kỹ năng thực hành, tạo mối liên kết với các khách sạn lớn để giúp sinh viên có cơ hội thực tập chất lượng.

Trong khi đó, trực tiếp tham gia thanh tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 tại tỉnh Bắc Kạn, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông - Vận tải đánh giá, các địa phương đã làm việc trách nhiệm, tuân thủ quy chế ở mọi khâu để kỳ thi đạt kết quả thực chất. Tùy theo từng ngành đào tạo, nhà trường dành từ 50% đến 80% chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh sử dụng kết quả kỳ thi. Khi vào trường, sinh viên còn tiếp tục trải qua nhiều khâu trong quá trình đào tạo để bảo đảm về trình độ và kỹ năng khi ra trường.

Với hơn 26.000 thí sinh chưa thể dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có phương án để tạo sự công bằng trong xét tuyển đại học. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, sau khi thí sinh biết kết quả thi, công tác tuyển sinh đại học sẽ được triển khai theo lộ trình đã công bố. Bộ đã chỉ đạo các trường điều chỉnh phương án tuyển sinh, phân bổ lại chỉ tiêu phù hợp để dành cơ hội cho thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt sau. Chậm nhất vào ngày 3-9-2020, các trường sẽ công bố cụ thể về việc phân bổ chỉ tiêu. Vì vậy, các thí sinh dự thi sau hoàn toàn yên tâm, vẫn được bảo đảm quyền lợi và sự công bằng khi xét tuyển đại học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm chất lượng ''đầu vào'' đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.