(HNM) - Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn Hà Nội rất lớn trong khi nguồn cung vẫn phụ thuộc nhiều vào các địa phương lân cận. Mặc dù, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực và có nhiều giải pháp trong việc kiểm soát, ngăn chặn nhưng trên thực tế, thực phẩm
Cần xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung nhằm bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Linh Ngọc |
Trong “Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm” (ATVSTP) sắp diễn ra, đại diện cơ quan chức năng cho biết sẽ đồng loạt thực hiện các biện pháp mạnh, xử lý nghiêm vi phạm nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Lỏng lẻo và chưa kiểm soát tốt
Hà Nội mới tự đáp ứng được 60% lượng thực phẩm từ gia súc, gia cầm, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác hoặc nhập khẩu từ nước ngoài. Theo ông Đỗ Phú Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, vấn đề kiểm soát chất lượng thực phẩm từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội thời gian qua đã có nhiều chuyển biến, song còn khó khăn, vướng mắc như: Công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển về Hà Nội của một số địa phương còn chưa chặt chẽ, gây khó khăn trong việc quản lý, xử lý vi phạm.
Theo báo cáo của Cục ATTP, trong quý I-2016, toàn quốc ghi nhận 25 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với 969 người mắc, 669 người đi viện và 2 trường hợp tử vong, trong đó có 7 vụ NĐTP tại gia đình, 8 vụ tại bếp ăn tập thể, 3 vụ tại đám cưới, giỗ, liên hoan, 4 vụ tại bếp ăn trường học và 3 vụ NĐTP khác. So với năm 2015, giảm 6 vụ (19,4%), giảm 106 người bị ngộ độc (9,9%), giảm 303 người phải đi viện (31,2%) và giảm 7 người tử vong (77,8%). Nguyên nhân gây ra NĐTP là do vi sinh vật (36%), độc tố tự nhiên (chiếm 12%), hóa chất (4%) và 48% vụ chưa xác định được nguyên nhân. |
Chẳng hạn, có trường hợp cấp giấy kiểm dịch 500 con lợn nhưng lại vận chuyển trong vòng 1 tuần, như vậy là sai quy định và cơ quan chức năng sẽ không kiểm soát được; đó là chưa kể giấy kiểm dịch có thể bị sửa chữa, tẩy xóa, không ghi rõ ràng nơi đi và nơi đến. Trong tháng 3 vừa qua, lực lượng chức năng của Hà Nội đã bắt và tiêu hủy 1.000 con gia cầm nhập lậu từ tỉnh Quảng Ninh về.
Điều đáng nói là lô hàng này có giấy kiểm dịch của các tỉnh đi qua, nhưng không có chữ ký của kiểm dịch viên và con dấu, nên thương lái tẩy xóa số lượng gia cầm để tăng số lượng vận chuyển về Hà Nội. Thậm chí, sản phẩm động vật nhập về Hà Nội của một số tỉnh chưa được kiểm tra, kiểm soát và niêm phong chặt chẽ, nên trong quá trình vận chuyển, chủ hàng đã thay đổi, đánh tráo hàng hóa không bảo đảm chất lượng tiêu thụ trên thị trường.
Tại hội nghị đánh giá kết quả phối hợp trong công tác thú y giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố do Sở NN&PTNT tổ chức ngày 8-4, các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng, công tác kiểm soát sản phẩm động vật từ các địa phương về Hà Nội còn nhiều bất cập, do một số địa phương chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm ATTP nên gây khó khăn cho việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.
Thu hoạch rau an toàn tại xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức). Ảnh: thái hiền |
Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) cho rằng, việc quản lý sản phẩm động vật của các tỉnh qua các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố còn bất cập. Lực lượng thú y muốn dừng xe vận chuyển gia súc, gia cầm để kiểm tra nhưng không có chức năng, thẩm quyền nên phải chờ cảnh sát giao thông, nhưng không phải lúc nào cũng có đầy đủ các bộ phận liên quan gồm: Quản lý thị trường, công an, thú y hoạt động, dẫn tới vẫn còn hiện tượng xe vào thành phố chưa được kiểm tra.
Còn theo ông Đinh Quốc Sự, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình, hiện 50% sản lượng gia súc, gia cầm của địa phương được dành cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô. Tuy nhiên, việc kiểm soát sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh còn vướng mắc, do chăn nuôi còn nhỏ lẻ, lực lượng thú y mỏng, không tránh khỏi những sai sót trong kiểm dịch, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận.
Nếu phát hiện bao che sẽ cách chức lãnh đạo
Ở một góc độ khác, tại hội nghị sơ kết ATVSTP quý I-2016 và triển khai Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm 2016 do Cục ATVSTP (Bộ Y tế) tổ chức sáng 8-4, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết, ở đâu chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ, thanh tra, kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm vi phạm, thì ở đó công tác bảo đảm ATVSTP tốt hơn. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra ATVSTP ở nhiều nơi vẫn chỉ mang tính nhắc nhở là chính.
Để kiểm soát thị trường thực phẩm, trong Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm 2016 với chủ đề "Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn" (diễn ra từ 15-4 đến 15-5 trên phạm vi toàn quốc), các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Ông Nguyễn Hùng Long lý giải, việc quản lý ATVSTP là vấn đề thường xuyên, liên tục, Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP không phải để giải quyết một vấn đề cụ thể, mà để tăng cường hoạt động, tập trung nhiều lực lượng, huy động toàn xã hội vào cuộc, bảo đảm thị trường thực phẩm an toàn.
Năm nay, ngành chức năng vẫn chọn chủ đề của năm ngoái, bởi chất lượng rau, thịt vẫn là vấn đề "nóng" hiện nay. Các đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn đề bức xúc, nổi cộm hiện nay là sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thủy sản; đồng thời, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.
Mục tiêu và kế hoạch của Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP đã rõ, nhưng làm thế nào để triển khai có hiệu quả, nhất là quản lý chặt việc cung ứng sản phẩm rau, thịt trên địa bàn Thủ đô? Ông Nguyễn Hùng Long cho rằng phải giảm các cuộc thanh, kiểm tra theo kế hoạch và tăng cường thanh tra đột xuất. Tới đây, khi thanh tra, kiểm tra ATTP, nếu phát hiện địa phương nào bao che cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm "bẩn", Cục ATTP sẽ kiến nghị cách chức lãnh đạo quản lý. Cùng với đó, Cục ATTP luôn mong có sự chung tay vào cuộc của cộng đồng. Người tiêu dùng phát hiện cơ sở chăn nuôi, trồng trọt có sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, thuốc BVTV, chất bảo quản… không cho phép, lập tức tố giác với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
Salbutamol là nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong năm 2014 và 2015, Bộ Y tế cho nhập hơn 9.000kg Salbutamol. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã sử dụng chất này để phối trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm nhằm kích thích tăng trưởng. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra. Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Đỗ Văn Đông cho biết, Bộ Y tế đã đề nghị đưa các nguyên liệu, thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác như nguyên liệu Salbutamol đối với ngành nông nghiệp vào danh mục "thuốc phải kiểm soát đặc biệt". Khi đưa Salbutamol vào danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt, Bộ Y tế sẽ kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, phân phối và sử dụng. Việc cấp phép nhập khẩu sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho, công ty mua, công ty bán… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.