Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học: Yêu cầu cấp thiết

Tiến Thành| 11/05/2016 07:50

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các trường học ở TP Hồ Chí Minh có xu hướng tăng cả về số vụ và số nạn nhân. Bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học, vì thế là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho không chỉ ngành Giáo dục.

Phải kiểm soát chặt chẽ ATVSTP tại trường học.


Hàng trăm cơ sở không bảo đảm ATVSTP

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh), ngộ độc thực phẩm tại khối trường học trên địa bàn thành phố gia tăng cả về số vụ lẫn số người mắc. Cụ thể, từ đầu năm đến nay xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường THCS Lê Quý Đôn (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức) và Trường Tiểu học Trần Quang Khải (phường Tân Định, Quận 1) với 88 học sinh mắc. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, số vụ và số học sinh bị ngộ độc đã cao hơn so với cả năm 2015 (1 vụ, 65 học sinh mắc). Theo nghiên cứu qua các năm, một nửa số vụ ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân từ các suất ăn sẵn và điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay càng khiến thực phẩm dễ hư hỏng.

Được biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 2.821 cơ sở dịch vụ ăn uống cung cấp cho các trường học từ mầm non đến đại học, trong đó có 1.620 bếp ăn tập thể, 883 căng tin và 318 đơn vị chế biến thức ăn sẵn. Tiến hành kiểm tra 2.623/2.821 cơ sở, cơ quan chức năng phát hiện 345 cơ sở (13,1%) không đạt tiêu chuẩn về ATVSTP. Đáng lưu ý, chỉ 1.833/2.623 cơ sở triển khai hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm.

Ông Phạm Thành Long, chuyên viên Phòng Công tác học sinh, sinh viên (Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dù đã có nhiều quy định về ATVSTP trong trường học nhưng nhiều trường gần như khoán trắng cho công ty cung cấp suất ăn nên không kiểm tra ATVSTP khi nhận các suất ăn sẵn. Bên cạnh đó, do quy định tạm dừng tuyển nhân viên y tế, nên những năm gần đây rất nhiều trường thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn để giám sát chất lượng an toàn thực phẩm tại trường học.

Phải kiểm soát chặt chẽ

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Hồng Ngọc (quận Tân Phú) Trần Thị Nga, nên xây dựng các bếp ăn bán trú trong trường học. "Xây dựng được bếp ăn bán trú sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí cho nhà trường, đồng thời học sinh sẽ được ăn những bữa ăn bảo đảm an toàn thực phẩm", bà Nga nhận định.

Còn ông Phạm Văn Khoa, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Quận 3 cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ngành Y tế và Giáo dục - Đào tạo. Sở Y tế là cơ quan chuyên môn có thể kiểm soát kỹ đầu vào thực phẩm trên địa bàn thành phố, qua đó hỗ trợ các nhà trường kiểm soát thực phẩm đầu vào. Vẫn theo ông Khoa, mức phạt dành cho các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn hiện nay còn thấp (mức cao nhất chỉ 200 triệu đồng) nên không đủ sức răn đe.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh cho rằng, phải xem việc chống ngộ độc thực phẩm tại trường học như một "cuộc chiến" nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh. Ngành y tế thành phố, cụ thể là Chi cục ATVSTP sẽ phối hợp với ngành Giáo dục để hoàn thiện, vận hành và duy trì hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường học.

Bà Mai khuyến cáo các trường có 1.000 học sinh trở lên nên tự tổ chức bếp ăn tập thể, nhằm giảm nguy cơ ngộ độc. Thời gian tới, Chi cục ATVSTP sẽ tiến hành việc kiểm tra các căng tin, bếp ăn tập thể tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học, nơi phục vụ lượng suất ăn rất lớn, để kịp thời chấn chỉnh vi phạm nếu có. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho các nhà quản lý, bếp trưởng, nhân viên chế biến về kiến thức an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý các cơ sở không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học: Yêu cầu cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.