(HNM) - UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND (ngày 8-8-2022) về việc bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2022. Hiện cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà:
Tập trung thanh tra, kiểm tra chất lượng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội, triển khai Kế hoạch số 212/KH-UBND, Sở Y tế chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vi phạm về chất lượng và điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, bánh trung thu. Thanh tra, kiểm tra đúng tiến độ, báo cáo đúng thời gian theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra sẽ kết hợp tuyên truyền kiến thức, quy định pháp luật bảo đảm an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, ý thức cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Khuyến cáo người dân sử dụng bánh trung thu có nguồn gốc, có tên, địa chỉ nhà sản xuất và còn hạn sử dụng.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên:
Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm
Căn cứ tình hình quản lý thị trường của ngành, Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các đội quản lý thị trường phối hợp cùng chính quyền sở tại tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu. Tập trung kiểm tra bánh trung thu, kẹo, rượu bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm sản xuất bánh trung thu, nhân bánh trung thu, bao bì chứa đựng trực tiếp bánh trung thu... Nhờ tăng cường kiểm tra nên vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 24 đã xử lý 5.100 chiếc bánh trung thu có nhãn hiệu chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Thời gian tới, Cục tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm và sẽ chuyển hồ sơ vụ việc nghiêm trọng cho cơ quan chức năng truy tố theo luật định.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm:
Huy động sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể
Qua kết quả rà soát tình hình sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Trung thu, quận đã xây dựng kế hoạch tập trung chỉ đạo huy động sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể nhằm đẩy mạnh tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm.
Quận đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được phân cấp tại các phường. Đặc biệt, quan tâm phúc tra, giám sát các cơ sở đã được UBND phường kiểm tra. Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm; yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh trung thu ký cam kết không vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm. Đối với cơ sở kinh doanh bánh trung thu, phải bảo đảm vệ sinh quanh quầy hàng, việc nhập khẩu và công bố thực phẩm, bánh trung thu phù hợp với quy định an toàn thực phẩm.
Bà Vũ Thu Hương, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy:
Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, hộ gia đình
Tết Trung thu đang tới gần, nhu cầu về các sản phẩm bánh kẹo, nhất là bánh trung thu rất cao. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là với những cơ sở sản xuất bánh trung thu hand made, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công... Trong khi phần lớn các cơ sở có tên tuổi đều bảo đảm quy định sản xuất, đáp ứng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, thì không ít cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thủ công hoặc các hộ gia đình vẫn tìm cách tăng lợi nhuận bằng việc sử dụng nguyên liệu độc hại, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mất vệ sinh trong khâu sản xuất bánh…
Do đó, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất bánh trung thu nhỏ lẻ, hộ gia đình; trường hợp vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định.
Ông Đinh Tuấn Hùng, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên:
Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm bánh trung thu
Mỗi mùa Trung thu đến là dịp các sản phẩm bánh của nhiều thương hiệu nổi tiếng lại bị làm giả, làm nhái, đặc biệt là tại các vùng ngoại ô, vùng nông thôn. Có rất nhiều vi phạm liên quan đến bánh trung thu, từ làm giả, làm nhái nhãn mác, đến ghi sai thời hạn sử dụng, ngày sản xuất... Hiện trên thị trường cũng đã xuất hiện một số loại bánh trung thu được giới thiệu là của nước ngoài, nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc, kiểm tra chặt chẽ của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần cẩn trọng, cảnh giác để lựa chọn các sản phẩm bánh chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.