(HNMO) - Chiều 8-7, cùng với các thí sinh trên cả nước, hơn 101.000 thí sinh trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành bài thi cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị các cấp, kỳ thi đã được tổ chức bảo đảm yêu cầu về mọi mặt. Đây cũng là bài học kinh nghiệm chung của các địa phương trên cả nước trong công tác tổ chức kỳ thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh tại cuộc họp báo diễn ra cuối chiều 8-7.
Chung sức, quyết tâm
Diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 trên địa bàn Hà Nội nhận được sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo Thành ủy và sự chung sức quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và ý thức vượt khó của thí sinh. Thành công đạt được trong công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua là cơ sở để Hà Nội tiếp tục triển khai kỳ thi này, song với một kỳ thi mang “mục đích kép” (vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm), lại diễn ra vào lúc tình hình dịch có nguy cơ cao hơn, số thí sinh cũng nhiều hơn, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt được lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố quán triệt tới các đơn vị, cá nhân tham gia làm nhiệm vụ là tuyệt đối không lơ là, chủ quan ở bất kỳ khâu nào.
Sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo thành phố Hà Nội thể hiện ở suốt tiến trình tổ chức kỳ thi. Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 15 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi và công tác phòng, chống dịch; kiểm tra công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi các quận, huyện, thị xã và các điểm thi, chú trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn phòng, chống dịch và phương án xử lý các tình huống phát sinh. Trước và trong suốt hai ngày thi, các đoàn kiểm tra của Thành ủy và Ban Chỉ đạo thi thành phố đã trực tiếp kiểm tra tại các điểm thi, kịp thời nắm bắt tình hình và có những chỉ đạo kịp thời, hiệu quả với chủ trương luôn được đặt lên hàng đầu là bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho thí sinh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khi kiểm tra công tác coi thi trong ngày thi đầu tiên (8-7) đã nhấn mạnh, chưa bao giờ toàn bộ hệ thống chính trị chung tay tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh dự thi như năm nay. Trước đó, trong quá trình kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại các địa phương, Chủ tịch UBND thành phố cũng nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, lường trước các tình huống để chủ động xử lý.
Sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và sự đồng lòng, chung sức quyết tâm của cả hệ thống chính trị Thủ đô đã gặt hái kết quả. 188 điểm thi duy trì nghiêm quy chế thi và các biện pháp an toàn phòng, chống dịch trong suốt hai ngày thi. Đại diện cho 680 thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm nhiệm vụ tại Hà Nội, Trưởng đoàn thanh tra Trần Trí Trung (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá: Công tác tổ chức kỳ thi của thành phố Hà Nội được chuẩn bị, tổ chức nghiêm túc, bảo đảm chất lượng và an toàn. Các điểm thi đều tăng cường các biện pháp rà soát, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, xử lý nhanh, hiệu quả các tình huống, bảo đảm an toàn và tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Công bố kết quả ngày 26-7
Tại buổi họp báo diễn ra chiều 8-7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên cả nước đã được tổ chức thành công và bảo đảm an toàn về mọi mặt. Ý thức chấp hành quy chế thi được nâng lên. Cả kỳ thi chỉ có 18 thí sinh vi phạm, so với năm 2020 là 38 thí sinh. Đề thi có tính phân hóa, bảo đảm yêu cầu của kỳ thi.
Còn theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, diễn ra vào lúc tình hình dịch phức tạp, kết quả kỳ thi có được từ sự tích cực, nghiêm túc của các địa phương và sự phối hợp giữa các lực lượng trong công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai, từ đó làm chủ được tình hình, lường trước được các tình huống bất thường để xử lý với chung mục tiêu là đặt sự an toàn của thí sinh lên cao nhất.
Từ ngày 9-7, Bộ yêu cầu các địa phương triển khai công tác chấm thi, đồng thời tiếp tục bám sát diễn biến của dịch, số lượng và nguyện vọng của thí sinh chưa dự thi đợt 1, đề xuất việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi đợt 2 vào thời điểm an toàn. Dự kiến có hơn 23.000 thí sinh sẽ dự thi đợt 2. Để bảo đảm công bằng trong xét tuyển, Bộ khẳng định sẽ xây dựng đề thi có độ khó tương đương. Với những thí sinh diện F0 chưa thi đợt 1 hoặc đã thi một số môn được quyền xét đặc cách tốt nghiệp, song nếu có nguyện vọng dùng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng thì vẫn được đăng ký thi tốt nghiệp đợt 2.
Liên quan công tác xét tuyển, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhắn nhủ: Ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học còn có nhiều phương thức xét tuyển khác (học bạ, sử dụng chứng chỉ, tuyển sinh riêng...) với tỷ lệ chỉ tiêu chiếm 45% trong tổng số chỉ tiêu của toàn hệ thống. Cơ hội học tập của thí sinh còn rất nhiều. Để bảo đảm công bằng cho thí sinh dự thi tốt nghiệp ở đợt 1 và đợt 2, đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng các phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp, Bộ đề nghị các trường tổ chức xét tuyển phù hợp. Với với các thí sinh sử dụng kết quả thi, Bộ sẽ điều chỉnh lịch xét tuyển đại học, cao đẳng, bảo đảm để có thể xét tuyển chung từ kết quả của cả 2 đợt thi.
Về công tác chấm thi, Bộ sẽ thành lập 63 đoàn thanh tra chấm thi tại các địa phương. Bộ đề nghị các địa phương bảo đảm an toàn tuyệt đối bài thi, tổ chức chấm thi nghiêm túc, tuyệt đối không để xảy ra gian lận, đặc biệt là gian lận có tổ chức, bảo đảm tiến độ để công bố kết quả vào ngày 26-7-2021.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 trên cả nước có 1.021.340 thí sinh đăng ký, trong đó có 763.244 thí sinh dự thi để vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng (chiếm gần 75%). Cả nước tổ chức 2.233 điểm thi với 43.139 phòng thi. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi ở tất cả các môn đều đạt trên 97%. Cả nước có 23.569 thí sinh không thể dự thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (chiếm 2,31%).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.