Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn, không xảy ra bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm

PV| 15/03/2019 20:32

(HNMO) – Ngày 15-3, Đoàn liên ngành số 4 kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại chợ Thanh Xuân Bắc...

ệnh Dịch tả lợn châu Phi.


Bà Lê Thị Kim Anh, Trưởng ban Quản lý chợ Thanh Xuân Bắc cho biết, chợ hiện có 135 hộ kinh doanh, trong đó có 17 hộ kinh doanh thịt lợn, 3 hộ kinh doanh các sản phẩm từ lợn như giò, chả… Ban Quản lý chợ đã phát thanh tuyên truyền 2 lần/ngày trên hệ thống thông tin của chợ về cách phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; cách sử dụng thực phẩm an toàn từ thịt lợn. Công bố đường dây nóng ở khu vực kinh doanh để nhân dân kịp thời thông báo đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện nguồn nguy hiểm có thể bùng phát bệnh dịch.

Bên cạnh đó, tổ chức phun thuốc tiêu độc trên toàn bộ diện tích chợ 2 lần/tuần, 1 lần/ngày tại khu vực kinh doanh thịt lợn; cập nhật thường xuyên biến động tình hình bệnh dịch của các quận, huyện để ngăn chặn kịp thời các hộ kinh doanh thịt lợn lấy nguồn thịt từ khu vực có dịch. Các hộ đã nghiêm túc phối hợp với Ban Quản lý chợ trong công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Báo cáo của UBND quận Thanh Xuân cũng cho biết, trên địa bàn quận hiện không có hộ chăn nuôi lợn, không có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; 63 hộ kinh doanh thịt lợn tại 4 chợ trên địa bàn quận gồm: Nhân Chính, Khương Đình, Thanh Xuân Bắc, chợ K92 đều ký cam kết không vận chuyển, kinh doanh thịt lợn bệnh dịch; chỉ nhập thịt rõ nguồn gốc ở vùng không có bệnh dịch. Trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp như tổng vệ sinh tiêu độc, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm về nguồn gốc hàng hóa; thống kê và ký cam kết với các sạp bán thịt lợn; tổ chức khử trùng tại khu bán thịt lợn hằng ngày, nên đến thời điểm này chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Tại quận Cầu Giấy, theo báo cáo của UBND quận, trên địa bàn không có hộ, cơ sở chăn nuôi, giết mổ lợn. Có tổng số 56 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh thực phẩm có mặt hàng thịt lợn, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn; 23 chợ, tụ điểm kinh doanh thực phẩm, trong đó có 8 chợ truyền thống, 3 chợ tạm, 12 chợ cóc với 537 hộ kinh doanh thịt lợn.

Đến nay, quận đã cấp Giấy chứng nhận ATTP 26 cơ sở; Ký bản cam kết với 30 cửa hàng kinh doanh thực phẩm; Ký cam kết trong sơ chế, kinh doanh sản phẩm động vật với 861 hộ (trong đó: 537 hộ kinh doanh thịt lợn, 324 hộ kinh doanh các sản phẩm động vật khác).

Ngay từ khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi bùng phát, UBND quận đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố và tình hình thực tế tại địa phương để triển khai kịp thời các nội dung công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Tổ chức triển khai tốt các đợt vệ sinh tiêu độc môi trường, bảo đảm phòng chống bệnh dịch gia súc, gia cầm; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thú y trên địa bàn quận. Nhờ đó, đến thời điểm này, trên địa bàn quận Cầu Giấy không xảy ra bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm.

Trước đó, Đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc với siêu thị Vinmart Hoàng Quốc Việt, tại số 94, phố Hoàng Quốc Việt. Báo cáo với đoàn, phụ trách cơ sở Nguyễn Thị Hồng Gấm cho biết: Vinmart Hoàng Quốc Việt đang cung cấp thịt lợn của 3 nhà cung cấp là Meat Deli, Nam Hà Nội và Minh Hằng với số lượng khoảng 2.850 kg thịt lợn/tháng.

Nhu cầu khách hàng hiện tại có giảm nhẹ và nguồn hàng từ phía nhà cung cấp cũng giảm không bảo đảm 100% số lượng đơn hàng đặt của siêu thị.

Kết luận tại buổi kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan đề nghị quận Cầu Giấy sớm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; huy động sức mạnh của chính quyền, các đoàn thể, phân công rõ nhiệm vụ cho từng đơn vị, từng thành viên trong việc phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Xây dựng nội dung bản cam kết để các nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh thực hiện phòng, chống dịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nhất là đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn, không xảy ra bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.