(HNM) - Cùng với quá trình chuyển đổi số, sự gia tăng làm việc trên môi trường mạng được coi là nguyên nhân khiến số vụ tấn công mạng tăng lên. Trước thực trạng này, vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng đang đặt ra rất cấp thiết đối với các tổ chức, doanh nghiệp.
Theo báo cáo về "Tình hình an ninh mạng tại khu vực ASEAN" của Công ty Palo Alto, 94% tổ chức, doanh nghiệp ở 5 nước ASEAN đã phải hứng chịu sự gia tăng về số lượng các cuộc tấn công mạng trong năm 2021. Báo cáo cũng chỉ ra các lĩnh vực tài chính, công nghệ tài chính chịu nhiều ảnh hưởng từ tấn công mạng…
Tại Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, riêng trong tháng 2-2022, hệ thống giám sát an toàn không gian mạng đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 1.260 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin. Trong đó, tấn công cài mã độc (Malware) chiếm nhiều nhất với 961 sự cố; tấn công lừa đảo (Phishing) là 181 và tấn công thay đổi giao diện (Deface) là 118 sự cố. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam lên tới 2.643 sự cố (gồm 2.022 cuộc tấn công Malware, 378 vụ Phishing và 243 sự cố Deface). Như vậy, trung bình mỗi ngày có 44,7 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong các tháng 1 và 2-2022, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Ở góc độ doanh nghiệp, với vai trò là nhà cung cấp giải pháp an toàn bảo mật lớn nhất trong nước, Phó Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel Lê Quang Hà phân tích, tấn công mạng tập trung vào các mục tiêu chủ yếu như cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức tài chính - ngân hàng và khối viễn thông… với hình thức ngày càng tinh vi. Trong đó, sự gia tăng làm việc từ xa làm phát sinh nhiều nhiều thách thức liên quan đến an toàn, bảo mật. Đó là số lượng nhân viên sử dụng máy tính cá nhân nhưng không rõ thiết bị làm việc có bảo đảm an toàn hay không, nên nhiều khi không kiểm soát được máy tính của nhân viên hay của tin tặc (đã bị hacker chiếm quyền) kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan, doanh nghiệp… Do vậy, với các cơ quan, doanh nghiệp ngoài có hệ thống giám sát an toàn thông tin cần tới đội ngũ chuyên gia bảo mật chuyên nghiệp. Trong đó Viettel đưa ra giải pháp giám sát an toàn thông tin toàn diện (Viettel Soc) cho tổ chức, doanh nghiệp. Giải pháp này ứng dụng công nghệ học máy (machine learning) và trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện các cuộc tấn công bất thường, giám sát, cảnh báo bất cứ lúc nào để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống thông tin mạng.
Theo Cục An toàn thông tin, bên cạnh việc yêu cầu, khuyến nghị, hướng dẫn… các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, hằng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin của các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, sự quan tâm đến an toàn thông tin của hầu hết các cơ quan, tổ chức được đánh giá được cải thiện qua từng năm.
Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, trong năm nay, Cục An toàn thông tin tiếp tục coi trọng việc hướng dẫn triển khai bảo đảm an toàn thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và bảo vệ thông tin cá nhân. Cùng với đó, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn thông tin cho các nền tảng chuyển đổi số quốc gia và các dịch vụ nền tảng số của doanh nghiệp cung cấp cho người dùng. Đánh giá và gán nhãn tín nhiệm mạng cho các trang web, các dịch vụ nền tảng số để người dùng an tâm hơn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.