Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện cuộc sống người dân

Hiền Phương| 24/10/2015 07:35

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ TP Hà Nội đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với gia đình có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn.

Dạy nghề làm nón cho thanh niên tại xã Tân Ước (huyện Thanh Oai). Ảnh: Thái Hiền


Đặc biệt, thành phố chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn… Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của nhân dân từng bước được nâng cao, góp phần không nhỏ đưa Thủ đô phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Một trong những nhiệm vụ được Thành ủy Hà Nội tập trung thực hiện đạt kết quả tốt trong nhiệm kỳ 2010-2015 là thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Hà Nội có hơn 4 triệu người đã từng tham gia các cuộc chiến tranh và là địa phương có nhiều người có công nhất cả nước với hơn 800.000 đối tượng chính sách. Theo đánh giá của Trung ương, Hà Nội luôn đi đầu cả nước trong việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, bảo đảm 100% gia đình chính sách có mức sống cao hơn hoặc bằng mức sống trung bình của người dân tại nơi cư trú.

Làm được điều đó là nhờ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện chủ trương xã hội hóa sâu rộng phong trào đền ơn đáp nghĩa, chung tay góp sức nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công. Trong 5 năm qua, toàn thành phố đã huy động, kêu gọi đóng góp hơn 151 tỷ đồng cho Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", xây mới gần 2.000 nhà tình nghĩa với kinh phí gần 70 tỷ đồng, tặng gần 30.000 sổ tiết kiệm trị giá trên 21 tỷ đồng, tu sửa hơn 200 nghĩa trang liệt sĩ, điều dưỡng luân phiên gần 170.000 người có công.

Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội được thực hiện theo từng giai đoạn và đạt được những kết quả đáng kể. Giai đoạn 2011-2014, toàn thành phố giảm được hơn 110.000 lượt hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 7,25% vào đầu năm 2011 xuống còn 1,91% (giảm 34.409 hộ nghèo) vào cuối năm 2014, về đích trước một năm so với mục tiêu giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2011-2015. Đến năm 2015, theo chuẩn chung của cả nước, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc xóa nghèo (tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,6%, là mức thấp nhất so với nhiều năm). Để giảm nghèo bền vững, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, các ngành chức năng kiên trì thực hiện chính sách về lao động, giải quyết việc làm.

Cụ thể: Mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 135.000 đến 140.000 lao động; triển khai có hiệu quả các dự án vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, mỗi năm tạo việc làm cho 25.000 - 30.000 lao động. Ngoài ra, 245.842 hộ nghèo và cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 12.718 hộ được hỗ trợ học nghề, 4.755 hộ được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở. Thành ủy Hà Nội còn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng trong độ tuổi lao động. Giai đoạn 2010-2014 đã có trên 100.000 lượt lao động nông thôn được đào tạo nghề; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%...

Điểm nhấn quan trọng nữa trong nhiệm kỳ 2010-2015 là Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô, giai đoạn 2011-2015. Thực hiện Nghị quyết này, Hà Nội đã đầu tư 1.276,5 tỷ đồng xây dựng 202 công trình cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các quận nội thành đã đăng ký đầu tư xây dựng 46 công trình nhà văn hóa thôn cho các huyện với tổng kinh phí 92 tỷ đồng; Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã hỗ trợ 5 dự án nâng cấp điện với tổng kinh phí 101 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã được bê tông hoặc cứng hóa, trên 50% đường trục giao thông được bê tông hóa. 14/14 xã có đồng bào dân tộc thiểu số có hệ thống thủy lợi từng bước đáp ứng được yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh; 100% trạm y tế xã có bác sĩ và đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng được yêu cầu chuyên môn ở cơ sở...

Thực hiện chính sách an sinh xã hội, TP Hà Nội còn ưu tiên đầu tư cho công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Hơn 3.068 tỷ đồng từ ngân sách đã được dành để cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho 37 bệnh viện, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hệ thống y tế cơ sở và mạng lưới y tế dự phòng được củng cố, tăng cường cả về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và trang thiết bị: 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân tăng lên 11,5; số giường bệnh/ 1vạn dân tăng lên 21,3. Cùng với đó, công tác đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội được toàn thành phố thực hiện quyết liệt. Trong 5 năm qua, các ngành chức năng của thành phố đã thực hiện cai nghiện cho gần 19.000 đối tượng, trong đó cai nghiện bắt buộc cho trên 12.000 người, cai nghiện tự nguyện cho trên 6.000 người, góp phần không nhỏ vào ổn định trật tự xã hội.

Nhờ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội mà Thành ủy Hà Nội đề ra, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người được cải thiện rõ rệt. Đây là động lực to lớn để nhân dân Hà Nội cùng chung sức với lãnh đạo thành phố thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp trong nhiệm kỳ tiếp theo. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện cuộc sống người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.