(HNM) - Nhu cầu tiêu thụ điện liên tục tăng trong những năm gần đây, đặc biệt vào ngày cao điểm nắng nóng đầu tháng 7-2018. Lượng điện tiêu thụ của cả nước tăng cao đang tạo ra áp lực đối với vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng.
Công nhân EVN Hà Nội ghi chỉ số công tơ điện bằng công nghệ camera. Ảnh: Thái Hiền |
Dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong giai đoạn đến năm 2030, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Ngành Điện cần bảo đảm sản xuất 265-278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572-632 tỷ kWh vào năm 2030.
Tính đến cuối năm 2018, tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống dự kiến đạt 47.768MW, tăng 5,41 lần so với năm 2003, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và thứ 25 trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 là 10,3-11,3%/năm, giai đoạn 2021-2030 khoảng 8-8,5%/năm.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, việc bảo đảm cung ứng điện toàn quốc trong thời gian tới sẽ có nhiều rủi ro. Các dự án nguồn điện đã được khởi công xây dựng để đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với yêu cầu tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh trong 5 năm 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000MW.
“Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiệt điện than với công suất 7.860MW đang triển khai xây dựng. Như vậy, còn trên 18.000MW/26.000MW các dự án nhiệt điện than dự kiến vận hành trong 5 năm tới nhưng đến nay chưa được khởi công xây dựng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện các năm tiếp theo. Nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam cũng tiềm ẩn rủi ro và có thể sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ so với đánh giá tại thời điểm này”, ông Ngô Sơn Hải lo ngại.
Dự báo của EVN cho thấy, trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng độ tin cậy vận hành, hoặc không bảo đảm đủ nhiên liệu cho phát điện thì rất có thể nền kinh tế sẽ đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020. Đặc biệt, đến năm 2025 tình trạng thiếu điện ở miền Nam có thể tăng do phụ tải tăng cao, hoặc lượng nước về các hồ thủy điện bị hạn chế, thiếu hụt.
Trước những thách thức trên, tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam, do Bộ Công Thương tổ chức hồi trung tuần tháng 8-2018, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như ứng dụng công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh việc cần nhanh chóng nâng cao ứng dụng công nghệ vào phát triển năng lượng, nhất là những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó là đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời…
Còn theo EVN, để bảo đảm an ninh năng lượng, trong thời gian tới cần kiểm soát nhu cầu phụ tải và bảo đảm về nguồn cung điện. Theo đó, tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và quản lý nhu cầu sử dụng điện; kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng theo quy định. Cùng với đó là sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước; khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.