Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an ninh, an toàn hàng không

Tuấn Lương| 03/03/2023 07:14

(HNM) - Cùng với việc phục hồi thị trường hàng không, số vụ vi phạm an ninh hàng không cũng tăng mạnh. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hàng không đã được triển khai như tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các lực lượng an ninh; tổ chức lại lực lượng kiểm soát an ninh hàng không; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa an toàn hàng không cho người dân...

Lực lượng an ninh hàng không soi chiếu hành lý, bảo đảm an toàn hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phan Công

Vi phạm diễn biến phức tạp

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng đầu trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Ở thị trường quốc tế, các hãng hàng không đã khôi phục 118 đường bay, kết nối từ 9 sân bay của Việt Nam đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 11 triệu lượt hành khách, gấp 22 lần so với năm 2021.

Tuy nhiên, số vụ việc vi phạm an ninh hàng không dân dụng, hành khách bị từ chối nhập cảnh cũng tăng mạnh. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban An ninh, an toàn hàng không dân dụng quốc gia mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh, an toàn hàng không dân dụng quốc gia cho biết, năm 2022 xảy ra 680 vụ việc vi phạm an ninh hàng không dân dụng, tăng 445 vụ so với năm 2021. Số vụ việc hành khách bị từ chối nhập cảnh tăng mạnh (340 vụ năm 2022 so với 2 vụ năm 2021); trộm cắp tăng 73 vụ…

Điển hình là trường hợp hành khách T.Q.T (sinh năm 1978, thường trú tại tỉnh Quảng Ngãi) đi trên chuyến bay VJ375 hành trình Chu Lai - Tân Sơn Nhất ngày 15-9-2022 cố ý không chấp hành hướng dẫn kiểm tra lại hành lý xách tay; xô đẩy nhân viên an ninh đang làm nhiệm vụ. Một vụ việc hy hữu khác gây mất an ninh hàng không xảy ra trên chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất về Nội Bài vào ngày 18-7-2022. Cụ thể, trong quá trình phục vụ hành khách, tiếp viên hàng không đã phát hiện một cặp vợ chồng lớn tuổi mang dao dài khoảng 20cm ra gọt trái cây. Lập tức, tiếp viên hàng không đã lập biên bản vụ việc bất thường và thu giữ con dao. Tại sân bay một số địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… vẫn còn tình trạng chiếu tia laser, đèn công suất lớn vào buồng lái máy bay; phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng…

Tổ chức lại lực lượng kiểm soát an ninh hàng không

Là sân bay quốc tế cửa ngõ Thủ đô, nằm trong danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, những năm qua, việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài luôn được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các cơ quan của thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng. Từ năm 2019 đến nay, ACV và Công an thành phố Hà Nội đã ký quy chế phối hợp nâng cao khả năng hiệp đồng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn hàng không. Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, hàng không càng tăng trưởng thì các loại hình vi phạm pháp luật cũng tăng theo. Điều này đòi hỏi việc phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn hàng không phải được chú trọng hơn.

Phía Cảng vụ hàng không miền Bắc, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về an toàn hàng không thu hút đông đảo người dân huyện Sóc Sơn tham gia. “Cần đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng văn hóa an toàn hàng không cho toàn thể người dân địa phương; tăng cường tuyên truyền về các hành vi vi phạm có khả năng uy hiếp an ninh, an toàn hàng không và các mức xử phạt vi phạm để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó hợp tác cùng với cơ quan hàng không bảo đảm an toàn bay”, Trưởng phòng Giám sát an toàn hàng không (Cảng vụ hàng không miền Bắc) Trương Hữu Linh chia sẻ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về việc nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, chỉ đạo tổ chức lại lực lượng kiểm soát an ninh hàng không. Lực lượng này phải có hệ thống tổ chức độc lập, hoạt động thống nhất, chuyên nghiệp, đủ năng lực thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp pháp luật Việt Nam. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các lực lượng trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng không. UBND các địa phương có sân bay phải triển khai các phương án ngăn chặn, ứng phó việc sử dụng nguồn sáng công suất lớn, đèn laser, thả diều, phương tiện bay không người lái… uy hiếp an toàn hàng không.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An ninh, an toàn hàng không dân dụng quốc gia: “Mỗi sự cố, tai nạn hàng không đều thu hút sự chú ý và có tác động rất lớn trong dư luận xã hội, vì thế an ninh, an toàn hàng không càng cần được quan tâm đặc biệt. Để bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, trước hết mỗi hành khách đi máy bay đều phải có ý thức tuân thủ những quy định rất ngặt nghèo về an ninh...”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an ninh, an toàn hàng không

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.