Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bão” đã đi qua, bình yên trở lại

Đỗ Hà| 18/09/2011 07:15

(HNM) - Đặt chân tới xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự yên bình của một vùng quê chỉ cách đây hơn chục năm còn được coi là xã trọng điểm về ma túy và an ninh trật tự của huyện Thường Tín.


Xã Tô Hiệu hôm nay

Mặc dù đã hẹn từ mấy ngày trước nhưng khi đến Tô Hiệu chúng tôi vẫn phải chờ khá lâu. Căn phòng nhỏ của Chủ tịch UBND xã Lê Tri Luân luôn đông người tới giao dịch.Vừa thoăn thoắt lật, xem các văn bản của cán bộ Bộ phận "một cửa" vừa đưa sang, anh vừa phân trần: "Ở đây ngày nào cũng tất bật. Tô Hiệu là xã đông dân nhất huyện Thường Tín với trên 11.000 nhân khẩu, nên công việc nhiều. Nhất là đợt này xã đang bắt tay xây dựng nông thôn mới với cả "núi" việc nên lại càng bận hơn".

Trong câu chuyện, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết, Tô Hiệu là xã thuần nông với 70% dân số làm nông nghiệp, số hộ còn lại là kinh doanh dịch vụ và làm nghề phụ. Cả xã hiện có 120 hộ thực hiện chuyển đổi, xây dựng trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn như hộ anh Phạm Văn Phương, thôn An Duyên nuôi 150 con lợn thịt/lứa, ngoài ra anh còn nuôi hàng nghìn gà đẻ; anh Lê Văn Hán nuôi 200 lợn thịt/lứa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Một số hộ đưa con đặc sản như nhím, don, cầy, lợn mán... về nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Năng động trong phát triển kinh tế, số hộ đói, nghèo trên địa bàn ngày càng giảm, cả xã chỉ còn 11,2% số hộ nghèo; bình quân thu nhập đầu người đạt gần 9 triệu đồng/người /năm. "Không chỉ làm giàu, việc kiến thiết xây dựng nhà cửa, công trình phúc lợi công cộng, điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa được người dân quan tâm. Hiện nay, 100% đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa sạch sẽ. Hệ thống trường từ mầm non đến THCS, nhà văn hóa đều được đầu tư khang trang, sạch đẹp... tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập và sinh hoạt của nhân dân. Nhìn cơ ngơi của xã và cuộc sống của nhân dân, ít ai có thể nghĩ rằng đây đã từng là điểm nóng về ma túy và trộm cắp.

Và những ngày đã qua

Nói về quá khứ, Chủ tịch Luân cho hay: Nạn ma túy xuất hiện ở xã Tô Hiệu từ năm 1976, khi có 20 hộ ở địa phương đi làm kinh tế mới ở huyện Mộc Châu (Sơn La) trở về. Đến năm 1996, xã đã có 20 người nghiện thuốc phiện. Cũng trong năm đó, xã đã phối hợp với phòng chức năng của huyện Thường Tín tổ chức cai nghiện tại Trạm Y tế xã cho 15 đối tượng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn trầm lắng, đến năm 2000 tình trạng sử dụng chất ma túy bùng phát trở lại, Tô Hiệu được coi là vùng "trọng điểm" về ma túy của huyện Thường Tín với trên 40 con nghiện. Ngoài ra, ở địa phương còn có trên chục điểm bán lẻ các chất ma túy, 5 đường dây chuyên vận chuyển các chất ma túy từ các nơi khác về địa bàn.

Trước thực trạng "nóng bỏng" đó, Đảng ủy xã Tô Hiệu đã có nghị quyết chuyên đề triệt phá ma túy. Xã tổ chức nhiều đợt đấu tranh với tội phạm ma túy; vận động đối tượng nghiện tự cai tại gia đình, lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai tại các trung tâm; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân. Ngoài ra, xã còn thành lập 4 CLB phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội từ gia đình do Hội Phụ nữ xã làm nòng cốt. Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", các thành viên đã trực tiếp đến tận nhà cùng gia đình có người nghiện để giáo dục, thuyết phục, giúp đỡ cai nghiện tại cộng đồng. Theo đó, nhiều gia đình có con em mắc nghiện đã mạnh dạn tố cáo những đối tượng buôn bán, ổ tiêm chích ma túy, phục vụ công tác đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.

Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy của ngành công an và chính quyền cùng nhân dân, đến nay không những ma túy đang được đẩy lùi, nhiều đối tượng nghiện sau khi cai đã tái hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội địa phương và trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy như các anh Phạm Văn Hoằng, Phạm Văn Biên, Trịnh Văn Hợi.

Theo Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu Lê Tri Luân, vui nhất đối với cấp ủy, chính quyền địa phương hiện nay là tệ nạn xã hội dần được đẩy lùi, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Bà Nguyễn Thi Tài, thôn Tử Dương phấn khởi: "Trước đây, hễ cứ sểnh cái gì là bị "bưng" ngay, nhưng 1-2 năm trở lại đây tình trạng trộm cắp vặt giảm hẳn. Người dân chúng tôi đã được ngủ yên giấc hơn".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Bão” đã đi qua, bình yên trở lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.