Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo chí với mạng xã hội: “Đường ai nấy đi” hay liên kết, hợp tác?

Thanh Hiền| 03/12/2015 06:05

(HNM) -


"Con dao hai lưỡi"

Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 400 MXH được phép hoạt động. Hệ thống MXH hiện đang thu hút lượng người truy cập lớn và có tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng. Thống kê do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu và Đào tạo quảng cáo Việt Nam thực hiện cho thấy, có đến 82% người Việt Nam đang sử dụng internet có mặt trên các MXH; khoảng 30 triệu người truy cập MXH tại Việt Nam, chiếm 1/3 dân số. Trong đó, số người dùng facebook tại Việt Nam đạt 19,6 triệu, chiếm 74,1% lượng người sử dụng internet.

Sự phát triển của mạng xã hội là tất yếu trong kỷ nguyên công nghệ số.Ảnh: Nhật Nam


Nhờ các tiện ích có sẵn của hệ thống internet băng thông rộng, tốc độ lan tỏa thông tin nhanh, cập nhật và mang tính toàn cầu, các MXH đang khích lệ cho một xu hướng mới, đó là mỗi cá nhân có thể tự viết báo, tự sản xuất ra một tờ báo thu nhỏ bằng cách chia sẻ thông tin, kết nối các đường dẫn thông tin giữa các mạng truyền thông với nhau. MXH với độ phủ sóng rộng khắp, cũng trở thành nguồn cung cấp thông tin phong phú cho báo chí, đặc biệt là báo điện tử. Báo chí Việt Nam thời gian gần đây cũng đã sử dụng MXH như một kênh thứ hai để thu hút thêm bạn đọc. Có thể thấy rõ điều này khi nhiều tờ báo lớn sử dụng fanpage để tương tác với độc giả...

Bên cạnh những thuận tiện, hữu ích, MXH đã bộc lộ những khía cạnh chưa tích cực, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội; nếu không được kiểm soát chặt chẽ, rất dễ trở thành "con dao hai lưỡi". Đơn cử, việc có quá nhiều thông tin không chọn lọc, quá nhiều thông tin tập trung vào một sự vật, hiện tượng, cá nhân đã gây phản cảm, tạo ra phong trào kiểu "scandal", cổ súy cho lối sống thiếu lành mạnh, khiến dư luận xã hội bức xúc. Các thông tin trên MXH, dù có tốc độ lan truyền nhanh chóng, liên tục theo từng giây và phạm vi tương tác đa chiều, nhưng nhiều khi chưa chính xác, mang tính cá nhân và không được thẩm định, ảnh hưởng đến việc định hướng dư luận. Thậm chí, tin thiếu kiểm chứng, chạy theo thị hiếu còn gây hậu quả nghiêm trọng đối với văn hóa, thuần phong mỹ tục; hoặc bị lợi dụng để chống phá chế độ, Đảng và Nhà nước...

Qua đó, câu hỏi được đặt ra là, sự tương tác giữa báo chí với sự bùng nổ của MXH như thế nào? Nhà báo cần những kỹ năng nào để đáp ứng trước sự bùng nổ mạnh mẽ của loại hình giao tiếp mới đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của báo chí?

Nên "liên kết" báo chí và MXH

Tại hội thảo "Báo chí và MXH", ý kiến chung của các nhà báo cho rằng, báo chí cần học cách xây dựng mối quan hệ đối tác, liên minh và thậm chí phải liên kết với các công ty trực tuyến đa dạng như MXH, nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ giải trí và những nhóm truyền thông khác. Minh chứng cụ thể cho thấy, để có được 50 triệu độc giả, thính giả, khán giả, báo in cần quãng đường 100 năm; radio cần 38 năm; tivi cần 14 năm, internet cần 4 năm và facebook chỉ mất 2 năm. Theo Nghiên cứu sinh Nguyễn Đình Hậu, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH và NV, các tờ báo hiện nay không thể chạy đua tin tức với các trang MXH, vì lượng phóng viên, cộng tác viên, nguồn tin không thể "đọ" lại với số người tham gia của một trang MXH. Thay vì đối đầu, báo chí nên tìm hướng đi trong mối quan hệ cộng sinh với MXH.

Vừa qua, facebook đã hợp tác và cung cấp tính năng Instant Articles cho nhiều báo lớn như: The New York Times, National Geograpic, BuzzFeed, NBC, The Atlantic… cho phép người dùng đọc đầy đủ nội dung các bài báo ngay trên News Feed của mình, mà không cần mở trình duyệt mới. Đổi lại, các báo sẽ được giữ 100% tiền bán quảng cáo cạnh tranh bài viết trên facebook hoặc thu về 70% doanh thu nếu để facebook bán quảng cáo. Hay như, mới đây, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của facebook, Tập đoàn Google đã hợp tác với MXH twitter và các tờ báo lớn, triển khai dự án tăng tốc độ tải nội dung báo chí theo tiêu chuẩn mới chỉ trong vài phần nghìn giây. Sáng kiến của google nhằm tăng sức ảnh hưởng tới báo chí, và ngược lại, báo chí cũng nhận được những ưu thế khi hợp tác với google.

Đối với thông tin bịa đặt, tin rác cần được loại bỏ, đây là lúc báo chí phát huy sự chuyên nghiệp trong việc sàng lọc và định hướng thông tin. Khi tiếp nhận, lựa chọn và sử dụng thông tin trên MXH, báo chí là kênh kiểm chứng, điều chỉnh, đưa ra những bình luận sắc sảo, góp phần nâng cao năng lực tư duy và nhận thức của độc giả. Như vậy, báo chí càng được xã hội tìm đọc, uy tín của tờ báo càng được nâng cao.

Trong thời kỳ công nghệ số và toàn cầu hóa thông tin, báo chí hiện đại có mối liên hệ chặt chẽ với MXH. Chính các nhà báo cũng là những người tham gia vào cộng đồng MXH để vừa tiếp cận, chắt lọc thông tin, vừa cung cấp thông tin đến đông đảo công chúng. Bối cảnh đó đòi hỏi những người làm báo phải có ứng xử văn hóa trên MXH. Nếu làm được điều đó, các trang MXH có thể trở thành "cánh tay nối dài" cho báo chí, làm cho thông tin chính thống được phổ biến sâu rộng hơn trong đời sống xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo chí với mạng xã hội: “Đường ai nấy đi” hay liên kết, hợp tác?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.