Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo chí thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội

Đình Hiệp| 24/12/2021 12:14

(HNMO) - Sáng 24-12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội đến các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị báo chí toàn quốc.

Tham dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; cơ quan báo chí trung ương và địa phương...

Cả nước có 816 cơ quan báo chí

Hội nghị đã nghe báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Các báo cáo thống nhất đánh giá, năm 2021, về cơ bản các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Tính đến ngày 30-11-2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), trong đó, 114 báo, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. Cả nước có khoảng 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, với 17.161 người được cấp thẻ nhà báo.

Cùng với đó, công tác rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, văn phòng đại diện, phóng viên, cộng tác viên được tăng cường; xử lý nghiêm các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử; chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật. Năm 2021, cơ quan chức năng đã xử phạt 20 cơ quan báo chí; 11 trường hợp vi phạm quy định thông tin điện tử; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 1 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 3 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.

 Quang cảnh Hội nghị báo chí toàn quốc.

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tiếp tục được triển khai. Đến nay, việc sắp xếp các cơ quan báo chí theo quy hoạch đã cơ bản hoàn thành với các cơ quan báo chí tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn; 31/31 địa phương và 72 cơ quan báo nói, báo hình. Quá trình quy hoạch đã giảm 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức Hội ở Trung ương và 31 cơ quan báo thuộc các địa phương (tỷ lệ giảm là 36%), không còn cơ quan báo thuộc tổ chức Hội.

Trong năm 2022, các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan hội sẽ tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Tăng cường “đặt hàng” cho các cơ quan báo chí

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan báo chí nhằm đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2021 vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dù số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng cao, tổn thất về người còn nhiều, song cơ bản chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình. Cùng với đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được triển khai hiệu quả.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

“Có được những kết quả trên phải kể đến sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của hệ thống tuyên giáo, các cơ quan báo chí trong cả nước. Đặc biệt, trong đợt dịch vừa qua, các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng là lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, nhiều nhà báo đã mắc Covid-19 khi tác nghiệp để cập nhật những thông tin mới nhất cho độc giả về công tác phòng, chống dịch cũng như các chiến dịch tiêm phòng Covid-19. Trong điều kiện tác nghiệp còn nhiều khó khăn do dịch, nhưng các nhà báo luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bất chấp những hiểm nguy, gian khổ để tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác phòng, chống dịch hiệu quả”, đồng chí Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đồng chí Vũ Đức Đam cho rằng, mục đích quan trọng là để các cơ quan báo chí phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Vì vậy, việc triển khai Quy hoạch cần được tiến hành bài bản, khoa học, tránh tình trạng nóng vội, chạy theo thị trường, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội. Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt hiện nay, để các cơ quan báo chí phát triển thì các cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng phải tăng cường “đặt hàng”, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí trong phát triển nội dung để phát huy hiệu quả của thông tin. Cùng với đó, cần tăng cường tính minh bạch trong cung cấp thông tin cho báo chí để góp phần định hướng dư luận xã hội.

Đối với công tác chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí, đồng chí Vũ Đức Đam cho rằng, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu rất quan trọng cùng với năng lực quản lý, phân tích các dữ liệu đó. Do vậy, các cơ quan quản lý Trung ương cần hỗ trợ các cơ quan báo chí nhiều hơn nữa trong việc kết nối dữ liệu với các cơ quan Trung ương để phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền.

Báo chí góp phần tạo đồng thuận trong dư luận

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao sự đóng góp của các cơ quan báo chí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong đó, các cơ quan báo chí đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền một loạt sự kiện trọng đại của đất nước năm 2021, đặc biệt là góp phần truyền tải thông tin nhanh nhất, tạo sự đồng thuận trong dư luận để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống Covid-19 thời gian qua.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Cùng với đó, các cơ quan báo chí đã góp phần rất lớn vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, điều này thể hiện rất rõ qua đợt tuyên truyền đậm nét về thành công của Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đánh giá cao các cơ quan quản lý báo chí đã có sự linh hoạt trong quản lý, điều hành, chủ động thông tin cho các cơ quan báo chí về các vấn đề người dân quan tâm để tăng cường hiệu quả của thông tin.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu, các cơ quan báo chí cần triển khai thực hiện một loạt nhiệm vụ trọng tâm như trong báo cáo đã đề cập, trong đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò và chức năng của báo chí cách mạng với tinh thần “nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại”. Đồng thời, tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, sự sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền các nghị quyết của Đảng đến với các đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân.

“Các cơ quan báo chí cần góp phần làm lành mạnh hóa thông tin trên không gian mạng, tránh những thông tin xấu, độc và sai sự thật. Trong đó, cần đặt trọng tâm ưu tiên tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Ngay trong năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án 100 năm phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen cho các đơn vị.

* Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2021 và 20 tập thể có thành tích xuất sắc trong thông tin, tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.