Văn hóa

Báo chí tăng cường hơn nữa định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội

Nguyễn Lê - Thúy Nhi 18/03/2024 12:32

Đảng, Nhà nước tiếp tục tạo hành lang pháp lý và môi trường để các nhà báo, hội viên phát huy tiềm năng sáng tạo để có những tác phẩm báo chí chất lượng.

Ngày 18-3, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc năm 2024.

anh-1.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giao Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết, qua 74 năm thành lập (21/4/1950 - 21/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Từ gần 300 hội viên ban đầu, đến nay Hội đã thu hút hơn 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố, 21 liên chi hội và 223 chi hội trực thuộc trên cả nước.

Các thế hệ người làm báo luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt trọng trách của mình, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, công tác báo chí năm 2023 còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Nguy cơ tụt hậu của báo chí trước sự phát triển rất nhanh của truyền thông xã hội; vẫn còn một số cơ quan báo chí chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình hiện nay; vẫn còn một bộ phận người làm báo có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng, lạm dụng nghề nghiệp, tự cho mình “quyền lực” để dọa dẫm, sách nhiễu tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp… gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tình trạng phóng viên, cộng tác viên bị khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử vì vi phạm pháp luật, lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và niềm tin của công chúng đối với báo chí.

"Hội nghị lần này tập trung tổng kết hoạt động của các cấp Hội Nhà báo trong năm 2023, công tác tổ chức Hội, hoạt động thực tế bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên; việc tham gia Giải Báo chí quốc gia và các giải báo chí do các cấp Hội Nhà báo chủ trì; việc triển khai công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; đổi mới công tác báo chí, cũng như chia sẻ các kinh nghiệm, bài học rút ra, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động báo chí", đồng chí Lê Quốc Minh cho biết.

anh-2.jpg
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì hội nghị.

Báo cáo tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, chủ đề hoạt động của năm 2024 là “Tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh: Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, hoàn thành chương trình toàn khóa, tiến hành đại hội các cấp hướng tới Đại hội toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Trong năm 2023, các cấp Hội trong cả nước cũng đã chủ động phối hợp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp; tổ chức hơn 162 lớp ngắn hạn bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 6.600 lượt hội viên, cán bộ quản lý báo chí. Thông qua các lớp tập huấn góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, đặc biệt là các tác phẩm dự Giải Báo chí quốc gia và các bộ, ngành trong cả nước.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, năm 2024 là năm báo chí vượt khó khăn, đặc biệt là khó khăn về kinh tế để hoàn thành nhiệm vụ, tìm giải pháp hiệu quả cho sự phát triển báo chí trong kỷ nguyên số.

Ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam thời gian qua, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp Hội và các nhà báo, hội viên tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình mới.

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước; các vấn đề thời sự, phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, khách quan, chân thực có tính chiến cao, giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Mỗi tác phẩm báo chí phải là một thông điệp thuyết phục, tác động vào cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, nhà nước, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

anh-4.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.

“Năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí cần tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền báo chí truyền thống cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn; tăng cường quản lý, định hướng hoạt động của các cơ quan quản lý báo chí; tập trung đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thông nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác tuyên truyền. Hội Nhà báo Việt Nam cũng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án chuẩn bị tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam trong năm 2025”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo chí tăng cường hơn nữa định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.