(HNM) - Trong bối cảnh mạng xã hội bùng phát như hiện nay, nếu báo chí chính thống còn để nhiều sai sót, chậm đổi mới thì sớm muộn sẽ bị bạn đọc quay lưng và đánh mất vai trò tổ chức, định hướng dư luận xã hội của mình.
1. Thực tế không ai có thể phủ nhận, với sự phát triển của các dịch vụ thông tin trên nền internet đã đem lại cho mọi người những tiện ích vô cùng to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kèm theo những hệ lụy: Giờ đây, bất cứ ai cũng có thể đưa thông tin lên mạng, ai cũng có thể trở thành một "phóng viên". Điều đáng nói, thông tin từ các phương tiện truyền thông như trang nhật ký mạng, bách khoa toàn thư mở, youtube khó mà chính xác, do chúng không được biên tập bởi những người có kinh nghiệm và có trách nhiệm. Phần đông các "nhà báo" công dân do thiếu kinh nghiệm điều tra, cách nhìn phiến diện trước sự kiện, đó là chưa kể còn nhiều người thiếu trách nhiệm khi tung thông tin lên mạng xã hội, đưa ra những câu chuyện bịa đặt, giật gân và sử dụng những từ ngữ thô tục hoặc bình luận có tính báng bổ người khác, đã gây tác hại không nhỏ.
Ví dụ, ngày 17-6-2015, một nữ sinh lớp 9 ở Đồng Nai đã tìm đến cái chết bằng cách uống thuốc diệt cỏ do một đoạn video clip về em bị phát tán trên mạng cùng những bình luận ác ý. Trước đó (tháng 6-2013), một nữ sinh lớp 12 ở Đà Nẵng uống thuốc an thần để tự tử vì bị bôi nhọ trên facebook. May mắn là em được gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng cùng thời gian này, một nữ sinh lớp 12 ở Hà Nội bị bạn cùng lớp ghép ảnh đưa lên facebook đã tìm đến cái chết thì không kịp cứu chữa.
2. Với trách nhiệm của "người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng", báo chí phải phản ánh đúng sự thật, không thể cẩu thả, thiếu trách nhiệm như người viết ở mạng xã hội, thì đáng buồn và đáng trách, bên cạnh những cơ quan báo chí nghiêm túc, vẫn còn nhiều phóng viên vớ đâu viết đấy, thiếu kiểm tra, đã "sập bẫy" mạng xã hội. Một ví dụ điển hình của tình trạng này là ba tờ báo đưa vụ việc bịa đặt "bố đi vắng, chú công an phường ngày nào cũng đến nhà ăn cơm" hồi tháng 8-2014, sao chép lại câu chuyện từ một lá thư ngụy tạo trên facebook của một cá nhân ở Bình Định.
Vẫn biết rằng ai và nghề gì cũng có thể sai sót, làm báo không ngoại lệ, nhưng để sai sót nghiêm trọng, sai quá nhiều trên báo chí như trong thời gian qua thật khó có thể chấp nhận. Trong thời đại internet, những sai sót của báo mạng sẽ lập tức được hàng triệu người biết và hậu quả thật khôn lường. Chỉ tính trên các kênh truyền hình trong 1-2 năm qua, đã có thể kể ra hàng chục vụ việc rúng động dư luận: Nhầm vị tướng ba lần đánh thắng quân Nguyên, Trần Quốc Tuấn thành Ngô Quyền (trong S - Việt Nam, 19-2-2016); đưa chuyện tình của hai "ca sĩ" hát rong không có thật (trong Điều ước thứ bảy, 10-1-2015); lấy Khăn Piêu làm khố (Nhân tố bí ẩn, 2014)... Sai sót của các tờ báo mạng điện tử thì nhiều vô kể. Những sai sót trên cho thấy cách làm việc của nhiều phóng viên thiếu chuyên nghiệp, cẩu thả, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp yếu kém, phông kiến thức văn hóa xã hội quá mỏng. Phải chăng chúng ta đã vội đẻ ra quá nhiều kênh, chương trình truyền hình, tờ báo mạng điện tử trong khi sức có hạn, con người còn chưa kịp đào tạo, bồi dưỡng cả về nghiệp vụ báo chí và đạo đức?
3. Báo chí xa rời bạn đọc là vấn đề không ít người đã gióng lên ở nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học, nhưng việc khắc phục quá chậm chạp. Các khảo sát của chính những cán bộ quản lý báo chí ở các địa phương, ngành cho kết quả, đa số tin, bài ở các tờ báo ngành, địa phương đều khen ngành, địa phương mình, tính phản biện rất yếu; những vấn đề dân sinh, vấn đề của địa phương, của doanh nghiệp được phản ánh hời hợt.
Một cuộc khảo sát dư luận về chất lượng ảnh trên một số tờ báo ở các tỉnh, thành phố phía Bắc cho kết quả chỉ 3% phiếu khen, còn lại đánh giá ảnh xấu, nhỏ, không rõ, chú thích chung chung; đánh giá về chất lượng tin, bài thì đa số phiếu chê tin, bài dài, quá nhiều tin lễ tân... Đấy rõ ràng là điểm yếu cốt tử của bệnh làm báo bao cấp còn rớt lại. Cách làm báo này đang làm chính nó khô héo trong lòng bạn đọc. Những yếu kém kể trên, báo chí thế giới cũng từng mắc và phải trả giá đắt. Một ví dụ là năm 2012, Hãng thông tấn khổng lồ BBC của Anh đưa phóng sự cáo buộc sai một cựu bộ trưởng tài chính, dẫn đến một loạt lãnh đạo của hãng phải từ chức hoặc bị đình chỉ công việc. Còn những tờ báo cùng khuyết điểm kiểu xa rời bạn đọc, đưa các vấn đề hời hợt, không đáp ứng được nhu cầu bạn đọc, buộc tờ báo phải ngừng ra bản in, cắt giảm nhân công, giảm thu nhập để tồn tại, có thể kể đến các tờ như Lloyd's List (tháng 12-2013), Independent (tháng 3-2016) của Anh, tờ Libération (tháng 6-2015) của Pháp... Năm 2003, Trung Quốc từng đóng cửa một lúc 673 tờ báo bao cấp vì "chẳng có ích gì, chỉ tốn giấy".
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các nhà báo khi viết phải suy nghĩ "viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì?". Người cũng dặn "muốn viết báo khá thì cần phải gần gũi quần chúng", "khi viết xong bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận". Trong bối cảnh mạng xã hội bùng phát như hiện nay, nếu báo chí chính thống còn để nhiều sai sót, chậm đổi mới, xa rời tôn chỉ, mục đích thì sớm muộn sẽ bị bạn đọc quay lưng. Ngay cả các thế lực phản động, dù chúng ở đâu, dù nham hiểm thế nào cũng không thể làm gì được nếu chúng ta không tự bỏ đi vũ khí của mình. Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), nhắc lại những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghĩ về những yếu kém của báo chí ta thời gian qua để nhắc nhở mỗi người làm báo, mỗi cơ quan báo chí phải cố gắng nhiều hơn, để xứng đáng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, xứng đáng là tiếng nói của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.