Tổ chức sự kiện trở thành mối quan tâm lớn của các cơ quan báo chí thế giới để đa dạng hóa nguồn thu, trong khi mối quan hệ với nền tảng AI tạo sinh trở thành xu hướng chính trong mối quan hệ media-tech.
Báo cáo Triển vọng năm 2025 (World Press Trends Outlook) của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản Tin tức thế giới (WAN-IFRA) đã đánh dấu một cột mốc mới, khi cơ cấu doanh thu của các cơ quan báo chí trở nên đa dạng hơn. Lần đầu tiên kể từ khi WAN-IFRA xuất bản các báo cáo xu hướng hàng năm, doanh thu từ phát hành báo in và quảng cáo chiếm chưa đến một nửa tổng doanh thu của các cơ quan báo chí tham gia khảo sát, trong khi nguồn thu từ tổ chức sự kiện đang nổi lên như một cột trụ mới của giới truyền thông.
Sự suy giảm này nhấn mạnh sự thay đổi lớn, khi các nhà xuất bản tin tức khai thác mạnh hơn các nguồn doanh thu kỹ thuật số trong bối cảnh truyền thông thay đổi nhanh chóng.
Báo cáo Triển vọng 2025 dựa trên thông tin chuyên sâu do hơn 240 giám đốc điều hành truyền thông tại 85 quốc gia và vùng lãnh thổ cung cấp, cho thấy bức tranh toàn cảnh về các xu hướng định hình tương lai của ngành báo chí.
Dưới đây là một số điểm nổi bật từ báo cáo.
Mặc dù báo in tiếp tục giảm tỷ trọng trong tổng doanh thu, nhưng đây vẫn là nguồn thu nhập lớn nhất đối với những cơ quan báo chí tham gia khảo sát. Trung bình, phát hành báo in và quảng cáo chiếm gần 45% doanh thu của các cơ quan này. Nhưng đây là lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới 50%.
Tăng trưởng ở các lĩnh vực khác ít nhất cũng bù đắp một phần cho khoản lỗ ở báo in. Doanh thu trung bình từ các hoạt động kỹ thuật số hiện chiếm hơn 30% tổng doanh thu, tăng khoảng 7 điểm phần trăm so với năm ngoái. Doanh thu từ phát hành kỹ thuật số và quảng cáo kỹ thuật số đóng góp ngang nhau.
Các nguồn doanh thu “khác” (không liên quan đến phát hành hoặc quảng cáo) cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể. Hiện chúng chiếm 23,8%, tăng 5 điểm phần trăm so với năm ngoái. Đáng chú ý, khoản "khác" này giờ đã ngang bằng với phát hành báo in!
Sẽ có nhiều người tò mò, vậy khoản doanh thu "khác" nói trên cụ thể đến từ những lĩnh vực nào? Báo cáo cho thấy, tổ chức sự kiện chính là trụ cột, đóng vai trò quan trọng đối với các tòa soạn đang muốn thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thu. 29% cơ quan báo chí tham gia khảo sát cho biết, các sự kiện (trực tiếp và trực tuyến) là nguồn doanh thu bổ sung đáng kể cho tòa soạn.
Ngoài tổ chức sự kiện, mảng kinh doanh dữ liệu cũng cho thấy các tòa soạn đang thử nghiệm nhiều hoạt động khác nhau để tạo ra các nguồn thu mới. Trong số đó, tài trợ đã trở thành nguồn thu quan trọng (mặc dù vẫn tương đối nhỏ) sau tổ chức sự kiện trong năm thứ hai liên tiếp.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy nỗ lực của các cơ quan báo chí trong việc gia tăng nguồn thu từ độc giả, bao gồm các hình thức cung cấp dịch vụ dành cho thành viên (membership). Theo đó, 13% số cơ quan báo chí tham gia khảo sát cho biết đây hiện là nguồn thu quan trọng, tăng 5% so với năm ngoái.
Báo cáo 2025 cũng ghi nhận nỗ lực của các cơ quan báo chí để phục vụ độc giả ngày một tốt hơn, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người dùng. Nói cách khác, việc lấy độc giả làm trung tâm (reader centric) đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều nhà xuất bản tin tức.
Chi phí sản xuất nội dung và biên tập hiện chiếm gần 37% tổng chi phí trung bình của các cơ quan báo chí tham gia khảo sát (tăng gần 9 điểm phần trăm so với năm ngoái).
Trong khi đó, chi phí sản xuất báo in tiếp tục giảm khi các tòa soạn tinh giản khâu hậu cần in ấn và số bản in. Chi phí in ấn hiện chiếm 15% tổng chi phí, giảm so với mức 17,8% của năm ngoái.
Các cơ quan báo chí tham gia khảo sát cũng cho biết họ đã chi ít hơn cho phát triển sản phẩm. Vào năm 2023, hoạt động này chiếm 12,8% chi phí, nhưng vào năm 2024, con số này đã giảm xuống còn 6,9%. Điều này có thể do nhiều tòa soạn tập trung lại vào việc duy trì và phát triển các sản phẩm hiện có thay vì xây dựng các sản phẩm mới.
Mối quan hệ giữa báo chí và nền tảng công nghệ đã trở thành chủ đề được quan tâm lớn trong những năm gần đây. Khi xu hướng media-tech tiếp tục phát triển, cùng với sự nổi lên của Trí tuệ Nhân tạo (AI), WAN-IFRA đã đưa ra những câu hỏi mới trong quá trình khảo sát để hiểu rõ hơn về sự thay đổi của mối quan hệ media-tech.
Theo đó, nền tảng AI tạo sinh (GenAI) nổi lên là lĩnh vực khiến các cơ quan báo chí phải bận tâm nhiều nhất, theo sau là các ứng dụng nhắn tin, ứng dụng chia sẻ video. Việc sản xuất video đang nổi lên như là một lĩnh vực quan trọng hàng đầu để các tòa soạn tập trung đầu tư. Trái ngược với xu hướng đó là việc một số cơ quan báo chí chuyển trọng tâm khỏi phương tiện truyền thông xã hội, nhất là từ khi tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter và đổi tên nền tảng này thành X./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.