Sau chuyến đi Mỹ biểu diễn làm bánh xèo, “thương hiệu” bánh xèo bà Mười Xiềm trở nên quá nổi tiếng. Và nghệ nhân này phải đi làm du lịch...
Những ngày qua, mặc cho cơn mưa tầm tã do ảnh hưởng của bão, nhiều người vẫn đội mưa tìm đến cái quán lá ven ngoại ô của bà Mười Xiềm để được thưởng thức những cái bánh xèo còn “nóng hổi vừa thổi vừa ăn”. Ngồi bên bếp lửa đỏ rực nghi ngút khói với đôi tay thoăn thoắt đổ từng cái bánh xèo, bà Mười cười buồn: “Khách đông thì vui thiệt. Nhưng mấy ngày qua tâm trạng của tui khổ quá chú à...”.
Một thời nghèo khó
Bà Mười Xiềm sinh ra và lớn lên ở miệt Cái Vồn, huyện Bình Minh (Vĩnh Long). Năm nay bà Mười bước sang tuổi 66, chồng bà (ông Lê Văn Tư) đã ngót 80 tuổi. Thuở nhỏ, vì cuộc sống gia đình quá khó khăn lại đông anh em, nên cô bé Xiềm phải bỏ học sớm để theo mẹ làm đủ thứ nghề mưu sinh. Trong đó, có cái nghề làm bánh tét, bánh ít, bánh xèo, nấu nướng cho đám tiệc ở thôn quê. Nhờ đó tay nghề nấu nướng của bé Xiềm cứ giỏi dần theo năm tháng. Đến khi trở thành một cô thôn nữ hiền hậu, nết na và giỏi giang chuyện bếp núc, rất nhiều chàng trai trong làng để mắt đến cô gái có cái tên nghe... lạ tai: Xiềm. Tuy nhiên, trong những lần quá giang xe đò đi bán bánh, duyên số lại kết đôi cô Xiềm với anh tài xế tên Lê Văn Tư, một chàng trai nghèo ở miệt Trà Nóc, có hoàn cảnh tương tự như Xiềm.
Cưới nhau rồi, cuộc sống của vợ chồng cô Xiềm lại khó khăn gấp bội khi đàn con nheo nhóc lần lượt chào đời. Hằng ngày, cô Xiềm phải thức dậy từ rất sớm để lo cơm nước cho chồng con rồi đội thúng bánh đi rao bán khắp các ngõ hẻm ở Cần Thơ đến tối mịt mới trở về. Có thời gian, cô Mười đổi hướng theo xe đò với chồng lên tận miệt Biên Hòa (Đồng Nai) để bán bánh. Những ngày mưa bão không đi bán bánh, Mười Xiềm ở nhà đổ bánh xèo bán cho bà con lối xóm. Làm việc quần quật đến thế, vậy mà cái nghèo cứ mãi bám lấy đôi vợ chồng trẻ đến tận tuổi xế chiều.
Chuyến... xuất ngoại nhớ đời
Rồi bỗng nhiên cuộc sống của đôi vợ chồng Mười Xiềm bước sang một trang mới khi người đàn bà có gương mặt khắc khổ này nhận được tin mình là một trong 39 nghệ nhân khác trên khắp mọi miền đất nước được Bộ VHTT chọn đi “biểu diễn” tài nghệ ở Lễ hội Đời sống dân gian Smithsonian 2007, diễn ra tại Mỹ từ 23-6 đến 9-7- 2007. Nhận được tin này, vợ chồng bà Mười cứ ngỡ đó là chuyện... đùa cho vui! Bởi lẽ, bà Mười thừa biết chuyện làm bánh xèo thì... thiên hạ thiếu chi người làm được. Thậm chí ở ngay Cần Thơ hay tận Sài Gòn còn có nhiều chỗ bán bánh xèo với quy mô cứ như là nhà hàng, khách sạn, chứ không phải ọp ẹp trong cái chòi lá xiêu vẹo như quán bánh xèo của bà. Đến khi vận lên người bộ áo dài mới tinh bước lên sân bay Tân Sơn Nhất để lên đường sang Mỹ, bà Mười mới tin chuyện mình... xuất ngoại để biểu diễn tài nghệ làm bánh xèo là thực chứ không phải mơ. Ngay cả chuyện gặp được mấy ông tây, bà đầm ở Mỹ cũng khiến cho bà Mười chẳng tin vào mắt mình. Bà Mười khoe: “Trời ơi, khi tui đang “biểu diễn” làm bánh xèo ở Mỹ, mấy ông bà tây cứ “bao vây” đứng nhìn không chớp mắt, khiến tim tui như muốn thoát ra ngoài, vì sợ không làm vừa miệng họ thì xấu hổ chết đi được. Đến khi họ thưởng thức vài cái bánh đầu tiên rồi gật đầu nói “kê kê gì đó” (OK), thì tui mới... hết run”.
Tuy nhiên, có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất vẫn đọng mãi trong lòng bà Mười trong chuyến đi Mỹ, đó là việc bà được bà con Việt kiều đón tiếp bà rất nồng hậu. Hay tin có bà sang, nhiều bà con Việt kiều ở các bang khác của Mỹ đã vượt hàng trăm cây số đến lễ hội tại thủ đô Washington để được thức hương vị quê nhà. Thậm chí có những Kiều bào còn “xin” bà Mười nhận họ làm con nuôi, em nuôi, để sau này họ có dịp trở về quê thăm bà.
Kể từ ngày... xuất ngoại trở về, cái quán bánh xèo ven ngoại ô của bà Mười Xiềm (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) lúc nào cũng chật kín khách. Nếu như trước đây khách hàng quen thuộc của bà Mười chỉ là tầng lớp nông dân có mức thu nhập thấp, thì nay có cả giới thượng lưu và khách du lịch trong và ngoài nước. Thấy quán bà Mười làm ăn coi bộ khấm khá, bà con lối xóm tỏ ra mừng giùm cho đôi vợ chồng già này. Thậm chí nhiều cô bác còn đến phụ xay bột, nạo dừa, lựa rau... giúp bà Mười mỗi khi quán đông khách.
Trăn trở vì cái hợp đồng
Về phần mình, bà Mười cũng công nhận kể từ sau ngày đi Mỹ trở về, tên gọi của bà cũng như cái quán bánh xèo Mười Xiềm trở nên nổi tiếng... hết biết. Nhờ đó mà cuộc sống gia đình bà cũng dễ thở hơn phần nào. Tuy nhiên, điều mà bà Mười trăn trở suốt mấy đêm liền đó là việc đặt bút ký tên vào bản hợp đồng với Khu Du lịch Phù Sa. Theo hợp đồng trong vòng 3 năm, bắt đầu từ 11-8, bà Mười phải đến khu du lịch này chế biến và bán bánh xèo, bánh tét trong 2 ngày cuối tuần (thời gian từ 7 đến 17 giờ), với mức tiền lương 300.000 đồng/ngày. Nhưng ngặt nỗi, cái tuổi của bà Mười bây giờ đâu còn trẻ nữa, thì làm sao có thể bảo đảm thời gian làm việc như trong hợp đồng, dù bà có thêm 10 người thợ phụ. Bằng giọng buồn buồn, bà Mười cho biết: “Người ta đem đến tặng tui mấy bộ bàn, chén dĩa, tủ lạnh và đưa gần 5 triệu để tui làm nhà vệ sinh cho khách... Họ nói Nhà nước đưa tui đi nước ngoài, bây giờ trở về phải làm việc cho Nhà nước (!?), nên buộc lòng tôi phải ký”.
Không chỉ vậy, trong hợp đồng, Công ty Du lịch Phù Sa còn “ép” người một chữ bẻ đôi không biết như bà Mười phải chịu trách nhiệm huấn luyện cho nhân viên của công ty này cũng như nhượng quyền cho họ kinh doanh bằng cách chỉ bán bánh xèo tại Khu Du lịch Phù Sa và tại quán cũ của bà Mười (từ thứ hai đến thứ sáu), tuyệt đối không được bán bất kỳ chỗ nào khác.
Bút sa gà chết, giờ bà Mười chỉ còn biết cắn răng thực hiện hợp đồng cho Công ty Du lịch Phù Sa, vì hợp đồng có hiệu lực từ 11-8, mà trước đó công ty này đã dựng bảng quảng cáo ngay trên đầu quán bánh xèo của bà Mười!
Bí quyết bánh xèo bà Mười Xiềm
Sáng sớm, bà Mười lội ra chợ để tìm mua những con tép, con tôm còn... nhảy lẩn cẩn về luộc để chuẩn bị làm nhân bánh xèo. Bánh phải được làm bằng loại gạo dẻo, thơm. Bột gạo vừa xay xong (bằng cối đá) thì đổ bánh liền, tuyệt đối không để bột xay quá lâu vì sẽ bị hôi gió.
Khi đổ bánh xèo phải dùng mỡ động vật, không dùng dầu ăn, vì theo bà Mười Xiềm, nó có mùi gắt rất khó chịu. Đổ bánh xèo phải dùng chảo gang sẽ giúp cho độ nóng của chảo không bị áp lửa. Và điều quan trọng giúp cho người ăn cảm thấy ngon miệng là nước mắm phải làm vừa chua chua vừa ngọt ngọt; rau thì phải chọn mua rau mọc hoang dại ở miền đồng, như rau húng lủi, rau diếp cá, đọt chùm ruột, lá lụa, cải trời...
Theo Trần Công Tuấn (NLĐ)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.