(HNM) - Một trong những món quà để lại nhiều ấn tượng đối với du khách là món bánh tẻ Phú Nhi (phường Phú Thịnh, TX Sơn Tây). Du khách đến với Sơn Tây, khi ra về không quên mua những chiếc bánh tẻ Phú Nhi còn nóng hổi, thơm mùi lá chuối, lá dong.
Nguồn gốc ra đời của chiếc bánh tẻ gắn với chuyện tình cảm động của đôi trai gái tên Nguyễn Phú và Hoàng Nhi vẫn được lưu truyền đến hôm nay. Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh Đỗ Văn Cửu cho biết, làng Phú Nhi xưa còn gọi là Bần Nhi, một làng Việt cổ thuộc xã Viên Sơn có nghề làm bánh tẻ truyền thống nổi tiếng trong vùng. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, có thời điểm cả làng chỉ còn một vài hộ làm bánh bán ở những phiên chợ quanh vùng, thế nhưng độ mươi năm trở lại đây, nghề làm bánh tẻ Phú Nhi ngày càng phát triển với gần 50 hộ làm bánh, bán quanh năm. Theo ông Đỗ Văn Cửu, làng Phú Nhi xưa, nay là Tổ dân phố Phú Nhi có 3 khu: Phú Nhi 1, Phú Nhi 2 và khu Hồng Hậu thì cả ba khu đều có nghề làm bánh tẻ. Những hộ làm bánh nhiều năm nay với số lượng lớn (1.000 đến 2.000 bánh/ngày) phải kể đến gia đình ông Nguyễn Xuân Hùng, bà Cát Thị Dương, Nguyễn Thị Ngâm khu Phú Nhi 2; bà Phan Thị Sâm, Hoàng Thị Côi, khu Phú Nhi 1; bà Phạm Thị Thuận, Phan Thị Lập, khu Hồng Hậu...
Theo giới thiệu của lãnh đạo phường Phú Thịnh, chúng tôi đến cơ sở sản xuất bánh tẻ của gia đình bà Phan Thị Lập ở khu phố Hồng Hậu. Năm nay sang tuổi 59, bà Lập đã có trên 20 năm làm nghề. Mặc dù khuôn viên gia đình chật hẹp, nhưng bà đã quy hoạch thành từng khu rõ rệt như khu rửa lá bánh; ráo bột, khu gói bánh, hấp bánh và hoàn thiện sản phẩm... Vừa thoăn thoắt gói bánh, bà Lập vừa kể: Từ ngày về làm dâu đất Phú Nhi, tôi được học nghề làm bánh tẻ. Nhưng phải đến đầu những năm 1990 gia đình tôi mới làm bánh bán. Hiện nay, mỗi ngày gia đình làm 1.000 bánh bán cho người dân quanh vùng và các nhà hàng, khu du lịch. Ngoài ra, gia đình còn nhận đặt làm bánh phục vụ đám cưới, hội nghị...
Chia sẻ với chúng tôi bí quyết để có bánh tẻ ngon, bà Lập cho biết: Làm bánh tẻ không khó nhưng cũng chẳng dễ. Để có được chiếc bánh thơm ngon, hấp dẫn, ngoài việc chọn gạo ngon, ngâm đúng kỹ thuật, làm bột, chọn lá bánh đẹp, thì khâu ráo bột và làm nhân bánh là quan trọng nhất. Khi ráo bột, người làm phải chú tâm, nếu khuấy bột không đều tay thì sẽ bị vón cục, chín quá hoặc khê, làm bánh sẽ không ngon. Để làm nhân bánh phải chọn thịt ba chỉ loại ngon. Sau khi rửa sạch thịt đem luộc rồi áp chảo qua, sau đó thái chỉ ướp với nước mắm ngon, hạt tiêu, gia vị và xào chín cùng với hành, mộc nhĩ và gia vị vừa đủ. Khi đã chuẩn bị đầy đủ bột, nhân bánh, người làm bắt đầu gói, rồi đem hấp bánh khoảng 30 phút là chín.
Với bí quyết gia truyền, nên từ lâu bánh tẻ Phú Nhi đã được nhiều người biết đến bởi vị thơm ngon đặc biệt, đây là đặc sản của dân làng Phú Nhi cần được bảo hộ, giữ gìn. Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh cho biết, từ năm 2006 Phú Nhi đã được công nhận làng nghề sản xuất bánh tẻ truyền thống năm 2010, bánh tẻ Phú Nhi đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng công nhận thương hiệu cho làng nghề. Đây là cơ hội để địa phương duy trì và phát triển nghề làm bánh truyền thống. Thế nhưng thời gian gần đây, nhiều địa phương cũng sản xuất bánh tẻ giống như bánh tẻ Phú Nhi bán cho du khách thập phương nhưng chất lượng không bảo đảm, không ngon ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu bánh tẻ Phú Nhi, khiến người dân Phú Nhi lo lắng, bất bình. Trước thực trạng đó, để bảo vệ thương hiệu bánh tẻ Phú Nhi, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động các hộ dân làng nghề phải bảo đảm chất lượng thơm ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cạnh đó, địa phương đã quảng bá thương hiệu hàng hóa và đề xuất thiết kế một hình ảnh khái quát hóa các đặc tính riêng của làng nghề bánh tẻ Phú Nhi để hạn chế việc làm nhái bánh tẻ Phú Nhi.
Điểm khác biệt giữa nghề làm bánh tẻ Phú Nhi so với các ngành nghề khác là các hộ dân ở đây tự sản xuất và tự tiêu thụ, nên thu nhập từ nghề đạt cao. Các hộ dân Phú Nhi sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng và đơn đặt hàng. Hiện, nghề làm bánh tẻ Phú Nhi thu hút hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Nghề làm bánh tẻ truyền thống đã và đang là nghề làm giàu của người dân Phú Nhi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.