Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bằng văn bản… chưa đủ

Sơn Trà| 09/08/2011 07:05

(HNM) - Trong khi cư dân tại các chung cư, khu đô thị liên tiếp phàn nàn về hiện tượng độc quyền cung cấp dịch vụ điện thoại, đường truyền internet, cáp truyền hình… thì có một văn bản quy phạm nêu "quyền được lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ" của chủ sử dụng tòa nhà nhiều tầng dường như không được chủ đầu tư, nhà cung cấp "biết" đến, bởi hiệu quả quá yếu của nó, vì thế người tiêu dùng vẫn thiệt thòi.

Điều này cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước biết được sự cần thiết phải bảo vệ quyền lợi của người sử dụng chung cư, nhà nhiều tầng, song nếu chỉ bảo vệ bằng quy định trên văn bản thôi chưa đủ...

Dân cư tại khu đô thị Việt Hưng chỉ được cung cấp dịch vụ của truyền hình cáp VTC và mạng internet VNPT.

Luật sư Đỗ Tiến Đạt (Công ty Luật Basico):
Quy định pháp luật xa thực tế

Theo Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BTTTT-BXD của liên Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Xây dựng ngày 10-12-2007, hướng dẫn việc lắp đặt, quản lý, sử dụng thùng thư bưu chính, hệ thống cáp điện thoại cố định và hệ thống cáp truyền hình trong các tòa nhà nhiều tầng có nhiều chủ sử dụng, người sử dụng trong tòa nhà có quyền được lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát, dịch vụ điện thoại cố định theo yêu cầu. Việc lắp đặt hệ thống cáp ngầm tại tòa nhà phải bảo đảm các điều kiện kỹ thuật cho doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ điện thoại cố định đều có khả năng đấu nối tại tủ phân cáp hoặc giá đấu dây của tòa nhà để cung cấp dịch vụ cho người sử dụng. Tuy nhiên, tại mục VI (tổ chức thực hiện), Thông tư 01 lại chỉ dùng từ "khuyến khích" lắp đặt hệ thống cáp theo hướng dẫn đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà nhiều tầng có nhiều chủ sử dụng; "khuyến khích" việc lắp đặt đồng bộ hệ thống cáp để thu tín hiệu truyền hình cáp có thu tiền trong tòa nhà, bảo đảm cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp đều có khả năng đấu nối để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của người sử dụng trong tòa nhà. Chính vì chỉ quy định "khuyến khích", nên dù đã ra đời được hơn 3 năm, nhưng dường như văn bản này rất xa thực tế.

Bà Nguyễn Thị Thảo (Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên):
Khách hàng có cảm giác như bị lừa…

Cách đây bốn năm, sau khi mua nhà và dọn về Khu đô thị Việt Hưng, gia đình tôi mới được biết, dân cư ở đây chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là mạng điện thoại cố định, đi liền với đường truyền internet của VNPT, cáp truyền hình kỹ thuật số VTC. Nếu chúng tôi không hài lòng với chất lượng cung cấp các mạng này mà liên hệ với các nhà cung cấp khác như: đường truyền internet FPT, truyền hình cáp VCTV, thì sẽ bị từ chối với lý do không thể kéo cáp vào Khu đô thị Việt Hưng. Sự hạn chế nhà cung cấp dẫn đến tình trạng chất lượng đường truyền internet và truyền hình cáp xuống cấp, nhưng không được nhà mạng quan tâm. Nhiều người sống trong các tòa nhà hoặc biệt thự của các khu đô thị khác cũng gặp tình trạng tương tự, gần như buộc phải sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp do chủ đầu tư lựa chọn. Điều này thật bất hợp lý, bởi trong các hợp đồng mua bán nhà hay cung cấp dịch vụ… chỉ có thỏa thuận việc cung cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị chiếu sáng công cộng, dịch vụ vệ sinh, cây xanh… Nếu buộc phải sử dụng các dịch vụ khác do chủ đầu tư ấn định, cần thiết phải đưa cả những nội dung đó vào hợp đồng để khách hàng biết trước, lựa chọn, tránh cảm giác bị lừa sau khi đã dọn về ở.

Bà Vũ Thanh Bình (Bộ Xây dựng):
Cần có quy định buộc doanh nghiệp đầu tư cáp ngầm cho thuê, cho thuê lại mạng

Do các hệ thống cáp viễn thông, truyền hình… phải đặt ngầm, tức là một trong những hạng mục công trình phải thi công sớm trong tiến độ xây dựng tòa nhà cao tầng, chung cư, thậm chí là khu đô thị, nên các chủ đầu tư thường gặp khó khăn về vốn với hạng mục này. Để giải quyết vấn đề nguồn vốn, họ thường chọn đối tác là một nhà cung cấp mạng dịch vụ nào đó đầu tư, xây dựng hệ thống cáp ngầm. Đến khi đưa vào sử dụng, mặc dù chủ đầu tư không hạn chế các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác, nhưng doanh nghiệp đã đầu tư vốn, đồng thời là chủ của hệ thống cáp ngầm đương nhiên có độc quyền việc khai thác mạng của mình. Việc tìm đối tác như vậy mới chỉ giải quyết được quyền lợi của chủ đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ, còn quyền lợi của người tiêu dùng, chủ sử dụng tòa nhà đã bị bỏ qua. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, phải buộc các nhà cung cấp mạng thỏa thuận và thuê lại mạng của nhau để cùng khai thác, tạo điều kiện cho chủ sử dụng tòa nhà có quyền lựa chọn dịch vụ. Song, điều này khó thực thi trên thực tế, bởi trong bối cảnh các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình luôn phải chạy đua với doanh thu, thì việc nhường thị trường cho nhau là điều không tưởng. Giải pháp duy nhất là ràng buộc chủ đầu tư có thể chọn đối tác đầu tư vốn xây dựng hệ thống cáp ngầm, nhưng phải có điều khoản ràng buộc về quá trình khai thác, hoàn vốn và quyền của chủ đầu tư cho thuê, cho thuê lại hệ thống mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bằng văn bản… chưa đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.