(HNM) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân trong buổi họp Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi chiều 28-2. Hiện nay, đã có 931 lao động được đưa về nước an toàn và 40 lao động vừa về đến sân bay Nội Bài vào đêm 28-2, rạng sáng 1-3. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng hơn 500 người chưa ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đã có 931 lao động được đưa về nước an toàn và 40 lao động vừa về đến sân bay Nội Bài vào đêm 28-2, rạng sáng 1-3. |
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến chiều 28-2, đã có 931 lao động về nước an toàn bằng đường hàng không. Dự kiến từ nay tới ngày 3-3 sẽ có hơn 1.000 lao động nữa về Việt Nam, tổng cộng khoảng 2.000 người. Ngoài số lao động trên, đã có 8.461 lao động di chuyển được sang các nước khác như Ai Cập, Hy Lạp, Malta, Tunisia, Algeria… Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó ban Chỉ đạo, hiện nay vẫn còn khoảng 4.000 lao động nằm sâu trong đất liền Libya, có khoảng 2.000 người có kế hoạch sơ tán trong vài ngày tới. Tuy nhiên, những lao động này ở những vùng không mấy nguy hiểm và đã nằm trong kế hoạch sơ tán. Căng thẳng nhất là hiện nay có khoảng 500 lao động đang ở vùng nguy hiểm là thủ đô Tripoli của Libya.
Những lao động về nước đều được hỗ trợ trước mắt là 1 triệu đồng/người để làm lộ phí. Đây là việc bất khả kháng, không thuộc lỗi của doanh nghiệp cũng như của lao động, do vậy chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị thiệt thòi. Riêng đối với người lao động, sẽ cố gắng giải quyết để họ không bị quá thiệt thòi và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, họ cũng cần cảm nhận sự quan tâm sát sao của Chính phủ và các doanh nghiệp. |
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, tình hình đang ngày càng nguy cấp và khẳng định ưu tiên hàng đầu là đưa người lao động ra khỏi vùng nguy hiểm. Chính vì vậy, các đoàn công tác đặc biệt theo các chuyên cơ sẽ lên đường đến Cairo (Ai Cập) lúc 1h sáng nay (1-3) để đón các lao động về nước. Cùng với nhiệm vụ đón lao động, các chuyên cơ này còn chở theo 8 tấn lương thực, thực phẩm hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động chưa thể về nước tại Ai Cập. Ngoài ra, đoàn công tác còn có nhiệm vụ liên hệ với các tổ chức quốc tế, các nước láng giềng để thuê phương tiện đưa 500 lao động ra khỏi thành phố Tripoli. Bà Ngân cũng khẳng định, trong trường hợp khẩn cấp, đoàn công tác có thể thuê cả máy bay quân sự, nhằm bảo đảm an toàn nhất cho lao động rời khỏi vùng nguy hiểm.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thêm, đã có hiện tượng một số chủ thầu tại Libya bỏ lao động hoặc một số khác không nắm rõ thủ tục nên không thể tổ chức cho lao động di tản. Ngoài ra, đã có đối tác sử dụng lao động Việt Nam bỏ mặc lao động khi thấy Chính phủ Việt Nam đưa máy bay sang đón lao động, mặc dù về trách nhiệm, họ phải mua vé máy bay cho lao động nước ngoài về nước an toàn.
Cũng tại buổi họp, đại diện Hãng Hàng không quốc gia khẳng định, hãng đã chuẩn bị chuyên cơ để đoàn công tác lên đường bất cứ lúc nào. Đại diện Bộ Công an cũng khẳng định, lực lượng an ninh đã sẵn sàng cho tất cả các chuyến bay an toàn nhất và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có lệnh.
Tin mới nhất mà Ban Chỉ đạo nhận được, hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đã bố trí 2 chuyên cơ hỗ trợ đưa lao động Việt Nam về nước. Bộ Ngoại giao đang làm việc với các nước có đường bay từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Việt Nam để chuyên cơ cất cánh trong thời gian sớm nhất. Dự kiến, sau khi đoàn công tác đầu tiên đến Cairo, các đoàn công tác tiếp theo sẽ đến Hy Lạp, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Malta. Như vậy, sẽ có 5 đoàn công tác lên đường, hỗ trợ để những lao động có thể về nước an toàn trong thời gian sớm nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.