Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bàn về lịch (tiếp theo)

Mr. Địa Lâm| 26/10/2012 11:56

(HNNN) - Nếu vận hạn của con người mà còn có thể dâng lễ vật cho thần Số phận hay Thần chết để giải được thì đối với những vị Thần ngày không tốt, tại sao chúng ta không thể cúng lễ để chuyển hung sang cát (thần cát đổi ca trực cho thần hung hoặc thần hung ngẫu hứng nhân văn làm chút điều thiện) và nhờ đó ngày nào đối với chúng ta cũng tốt, mỗi ngày là một niềm vui?



Từ xa xưa, người cổ đại đã biết quan sát sự vận hành của mặt trăng và mặt trời để đo đạc và tính toán thời gian theo mùa màng, năm tháng. Và cũng vì nhu cầu thiết thực của đời sống, con người ta sáng tạo ra cách tính thời gian theo năm - tháng - ngày - giờ dựa vào quy luật tuần hoàn âm dương và sinh khắc can chi ngũ hành. Ngoài lợi ích về nông nghiệp và nghi lễ, cách tính này chủ yếu để chọn ngày tốt xấu từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc bên Trung Hoa. Những nhà thông thái hoặc tắc thái soạn ra lịch cát - hung cũng phải dựa trên căn cứ nào đó tương đối khoa học hoặc triết học và thần học để người ta tin rằng chọn ngày tốt có nguyên tắc, quy luật hẳn hoi. Tổng hợp lại, các phương pháp chọn ngày gồm có:

1. Chọn ngày theo sinh khắc ngũ hành: Theo nguyên tắc 10 Thiên can được chia thành Ngũ hành gồm có: Mộc (Giáp + Ất), Hỏa (Bính + Đinh), Thổ (Mậu + Kỷ), Kim (Canh + Tân), Thủy (Nhâm + Quý) và 12 Địa chi cũng chia thành Ngũ hành gồm có: Mộc (Dần + Mão), Hỏa (Tị + Ngọ), Thổ (Thìn + Tuất + Sửu + Mùi), Kim (Thân + Dậu), Thủy (Tý + Hợi). Từ đó, khi ghép Thiên can với Địa chi sẽ tạo thành những cặp Can Chi mang sẵn bản chất sinh khắc vốn có: Mộc sinh Hỏa sinh Thổ sinh Kim sinh Thủy khắc Hỏa khắc Kim khắc Mộc khắc Thổ khắc Thủy. Nếu Địa chi được Thiên can sinh là tốt nhất (ví dụ như Quý Mão, Giáp Ngọ), nếu Địa chi sinh Thiên can là tốt vừa (ví dụ như Ất Hợi, Bính Dần), nếu Địa chi khắc Thiên can là xấu vừa (ví dụ như Quý Sửu, Giáp Thân), nếu Địa chi bị Thiên can khắc là rất xấu (ví dụ như Mậu Tý, Quý Tị), nếu Địa chi đồng hành với Thiên can là bình thường (ví dụ như Giáp Dần, Mậu Tuất). Ngoài ra, giữa các Địa chi còn có các mối liên quan như Lục hợp (Tý, Sửu và Ngọ, Mùi hợp thành Thổ; Dần, Hợi hợp thành Mộc; Mão, Tuất hợp thành Hỏa; Thìn, Dậu hợp thành Kim; Tị, Thân hợp thành Thủy), Tam hợp (Thân - Tý - Thìn hợp thành Thủy; Dần - Ngọ - Tuất hợp thành Hỏa; Tị - Dậu - Sửu hợp thành Kim cục), Tương xung (như Tí, Ngọ; Mão, Dậu; Dần, Thân; Sửu, Mùi; Thìn, Tuất; Tị, Hợi), Tương hại (như Tí, Mùi; Sửu, Ngọ; Dần, Tị; Mão, Thìn; Thân, Hợi; Dậu, Tuất)… Giữa các Thiên can cũng có xung khắc theo Ngũ hành (ví dụ như Giáp khắc Mậu, Nhâm khắc Bính) và hóa hợp (như Giáp, Kỷ thành Thổ; Ất, Canh thành Kim; Bính, Tân thành Thủy; Đinh, Nhâm thành Mộc; Mậu, Quý thành Hỏa). Vậy nên chọn ngày, giờ tốt là cần phải tránh những sự kết hợp Can - Chi không tốt như Xấu, Khắc, Hại, Xung. Như vậy, từ lý thuyết trên có thể tìm ra danh mục những ngày trong Lục thập hoa giáp rất tốt như Đại quý (thiên can sinh địa chi): Đinh Sửu, Ất Tị, Bính Tuất, Đinh Mùi, Giáp Ngọ, Mậu Thân, Canh Tý, Kỷ Dậu, Nhâm Dần, Tân Hợi, Quý Mão, Bính Thìn. Ngày khá tốt (địa chi sinh thiên can): Giáp Tý, Tân Mùi, Canh Thìn, Bính Dần, Nhâm Thân, Tân Sửu, Đinh Mão, Quý Dậu, Canh Tuất, Kỷ Tị, Ất Hợi, Mậu Ngọ. Ngày xấu như Tiểu hung (can khắc chi): Giáp Tuất, Nhâm Ngọ, Mậu Tý, Canh Dần, Tân Mão, Quý Tị, Ất Mùi, Bính Thân, Đinh Dậu, Kỷ Hợi, Giáp Thìn, Ất Sửu. Ngày rất xấu như Đại hung (chi khắc can): Canh Ngọ, Bính Tý, Mậu Dần, Kỷ Mão, Tân Tị, Quý Mùi, Giáp Thân, Đinh Hợi, Nhâm Thìn, Quý Sửu, Nhâm Tuất, Ất Dậu. Tuy nhiên, đấy là quy ước về lý thuyết, còn trên thực tế không thể có những ngày Đại quý mà cả thế giới đều tốt đẹp, yên bình, an toàn và không thể có những ngày Đại hung mà cả 7 tỷ con người đều chung tai nạn, họa hại được. Còn rất nhiều vấn đề liên quan, ràng buộc, ảnh hưởng lẫn nhau từ vận mệnh của mỗi cá nhân, hoàn cảnh từng vùng miền, thời cuộc cả quốc gia và sự liên hệ quốc tế nữa?


2. Chọn ngày theo 12 chỉ trực thần: Còn gọi là 12 sao hay 12 thần canh cho 12 tháng trong năm hoặc 12 giờ trong ngày. Theo quy luật biến dịch thì mọi quy trình biến đổi thăng giáng phải diễn ra liên tục theo như các cặp phạm trù của 64 quẻ trong Kinh Dịch. Bởi vậy các cặp trực thần là: Kiến - Trừ là hai giai đoạn đối xứng của sự khởi đầu; Mãn - Bình là hai giai đoạn phát triển của sự vật; Định - Chấp là quá trình biến hóa trung gian của mọi sự vật; Phá - Nguy là sự phá vỡ cái cũ để hình thành cái mới; Thành - Thu giai đoạn trưởng thành và có kết quả của sự vật; Khai- Bế là quá trình chuyển đổi giữa giai đoạn cũ và mới của sự vật. Lịch soạn theo cách này bao giờ cũng lấy tháng Dần là tháng đầu tiên của năm nên gọi là lịch Kiến Dần. Lịch Kiến Dần được sử dụng ở Trung Hoa từ năm 104 B.C thời Hán. Thứ tự và ý nghĩa các Thần theo tháng như sau: Từ tháng Giêng ngày Dần đầu tiên là Trực Kiến (đáng ra là tốt nhưng vì đứng đầu trở thành nguy hiểm nên tránh lấy ngày này); Ngày Mão là Trực Trừ (ngày tốt); Ngày Thìn là Trực Mãn (là ngày hung không nên cưới xin, xây cất, xuất hành, khai trương); Ngày Tị là Trực Bình (ngày tốt); Ngày Ngọ là Trực Định (chỉ nên nói suông và bàn bạc, không nên hành động); Ngày Mùi là Trực Chấp (lợi việc tu sửa, không lợi làm mới); Ngày Thân là Trực Phá (ngày hung, không làm gì, trừ việc phá dỡ) ; Ngày Dậu là Trực Nguy (ngày hung, mọi việc bất lợi); Ngày Tuất là Trực Thành (ngày đại cát, không nên kiện tụng); Ngày Hợi là Trực Thu (ngày tốt, trừ việc tang lễ); Ngày Tý là Trực Khai (ngày tốt, lợi cho kinh doanh, không nên tổ chức tang lễ); Ngày Sửu là Trực Bế (ngày hung, mọi việc bế tắc) và cứ thế tuần hoàn qua các tháng. Những quy định chất sao lành dữ cũng căn cứ vào quan niệm tín ngưỡng dân gian, không có tính khoa học nên cuộc sống của con người chỉ do những vị Thần này quản chế thì quá đơn giản. Riêng vấn đề Thần Sao làm Chủ này có phần nào liên quan đến chuyện dâng sao giải hạn - cầu may mà hàng tháng, hàng năm người ta vẫn tiến hành ở khắp nơi. Nếu vận hạn của con người mà còn có thể dâng lễ vật cho thần Số phận hay Thần chết để giải được thì đối với những vị Thần ngày không tốt, tại sao chúng ta không thể cúng lễ để chuyển hung sang cát (thần cát đổi ca trực cho thần hung hoặc thần hung ngẫu hứng nhân văn làm chút điều thiện) và nhờ đó ngày nào đối với chúng ta cũng tốt, mỗi ngày là một niềm vui?

(Xem tiếp số sau)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn về lịch (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.