(HNNN) - Không hiểu cuốn lịch này phục vụ đời sống xã hội kiểu gì? Liệu có mấy ai tin rằng, một kỳ thi hàng triệu thí sinh nếu rơi vào giờ Hoàng đạo thì đỗ hết, còn vào giờ Hắc đạo thì trượt hết? Hay cứ vào ngày, giờ Hoàng đạo mọi người nên đi về hướng hỷ thần của ngày đó thì toàn quốc không thể có tai nạn giao thông xảy ra!? Đúng là chuyện không thật mà dễ tin đến lạ.
B. Lịch Vạn sự: Điển hình là cuốn Lịch Vạn sự 2013 Quý Tỵ, do Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành tháng 10-2012. Sau phần mở đầu liệt kê 9 sao chiếu mệnh nam, nữ cùng ý nghĩa, mẫu sớ cúng dâng sao giải hạn và đặc điểm các tuổi theo 12 chi, cụ thể từng ngày Hoàng đạo và Hắc đạo tính theo ngày âm lịch năm 2013, ví dụ:
Ngày 1-1 Đinh Mùi (Hoàng đạo): Giờ Hoàng đạo: Dần-Mão-Tỵ-Thân-Tuất-Hợi; giờ Hắc đạo: Tý-Sửu-Thìn-Ngọ-Mùi-Dậu; tuổi xung: Kỷ Sửu, Tân Sửu; hướng hỷ thần: Nam; những việc nên làm: Khởi công xây dựng.
Ngày 30-1 Bính Tý (Hoàng đạo): Giờ Hoàng đạo: Tý-Sửu-Mão-Ngọ-Thân-Dậu; giờ Hắc đạo: Dần-Thìn-Tỵ-Mùi-Tuất-Hợi; tuổi xung: Canh Ngọ, Mậu Ngọ; hướng hỷ thần: Tây Nam; những việc nên làm: Xuất hành, giá thú, khai trương.
Ngày 1-2 Đinh Sửu (Hắc đạo): Giờ Hoàng đạo: Dần-Mão-Tỵ-Thân-Tuất-Hợi; giờ Hắc đạo: Tý-Sửu-Thìn-Ngọ-Mùi-Dậu; tuổi xung: Tân Mùi, Kỷ Mùi; hướng hỷ thần: Nam; những việc nên làm: Tốt mọi việc, trừ động thổ,
mai táng.
Ngày 29-2 Ất Tỵ (Hắc đạo): Giờ Hoàng đạo: Sửu-Thìn-Ngọ-Mùi-Tuất-Hợi; giờ Hắc đạo: Tý-Dần-Mão-Tỵ-Thân-Dậu; tuổi xung: Quý Hợi, Tân Hợi, Tân Tỵ; hướng hỷ thần: Tây Bắc; những việc nên làm: Tốt với mọi việc.
Ngày 1-3 Bính Ngọ (Hắc đạo): Giờ Hoàng đạo: Tý-Sửu-Mão-Ngọ-Thân-Dậu; giờ Hắc đạo: Không có; tuổi xung: Dần-Thìn-Tỵ-Mùi-Tuất-Hợi; hướng hỷ thần: Tây Nam; những việc nên làm: Tế tự, cầu tài, cầu phú.
Ngày 30-3 Ất Hợi (Hoàng đạo): Giờ Hoàng đạo: Sửu-Thìn-Ngọ-Mùi-Tuất-Hợi; giờ Hắc đạo: Tý-Dần-Mão-Tỵ-Thân-Dậu; tuổi xung: Quý Tỵ, Tân Tỵ, Tân Hợi; hướng hỷ thần: Tây Bắc; những việc nên làm: Chữa bệnh, dỡ nhà cũ, phá bỏ đồ cũ.
Ngày 1-4 Bính Tý (Hắc đạo): Giờ Hoàng đạo: Tý-Sửu-Mão-Ngọ-Thân-Dậu; giờ Hắc đạo: Dần-Thìn-Tỵ-Mùi-Tuất-Hợi; tuổi xung: Canh Ngọ, Mậu Ngọ; hướng hỷ thần: Tây Nam; những việc nên làm: Như ngày 30-3.
Ngày 29-4 Giáp Thìn (Hoàng đạo): Giờ Hoàng đạo: Dần-Thìn-Tỵ-Thân-Dậu-Hợi; giờ Hắc đạo: Tý-Sửu-Mão-Ngọ-Mùi-Tuất; tuổi xung: Nhâm Tuất, Canh Tuất, Canh Thìn; hướng hỷ thần: Đông Bắc; những việc nên làm: Tốt với mọi việc, trừ động thổ an táng.
Ngày 1-5 Ất Tỵ (Hắc đạo): Giờ Hoàng đạo: Sửu-Thìn-Ngọ-Mùi-Tuất-Hợi; giờ Hắc đạo: Tý-Dần-Mão-Tỵ-Thân-Dậu; tuổi xung: Quý Hợi, Tân Hợi, Tân Tỵ; hướng hỷ thần: Tây Bắc; những việc nên làm: Đắp đê, lấp hố rãnh.
Ngày 30-5 Giáp Tuất (Hắc đạo): Giờ Hoàng đạo: Dần-Thìn-Tỵ-Thân-Dậu-Hợi; giờ Hắc đạo: Tý-Sửu-Mão-Ngọ-Mùi-Tuất; tuổi xung: Nhâm Thìn, Canh Thìn, Canh Tuất; hướng hỷ thần: Đông Bắc; những việc nên làm: Tốt với mọi việc, nhất là nhập gia, hôn nhân (trừ sao xấu,
bệnh tật).
Từ những nội dung của 10 ngày ngẫu nhiên tốt - xấu khác nhau trong 5 tháng đầu năm liên tục của năm 2013, ta thấy một số vấn đề nổi cộm sau:
- Theo định nghĩa chung của các nhà soạn lịch hay thiên văn, thì ngày Hoàng đạo nghĩa là ngày do thần thiện chủ trì, nên làm việc gì cũng thuận lợi, an toàn; ngày Hắc đạo là ngày do thần ác chủ trì, nên mọi việc đều bất lợi, dễ gặp hung họa. Tất cả các ngày trong năm theo lịch đều ghi rõ ngay từ đầu là ngày Hoàng đạo và Hắc đạo nhưng nội dung, tính chất lại ngược chiều, rất khó hiểu! Ngày Hoàng đạo lại có đến 6 giờ Hắc đạo và ngày Hắc đạo lại có được 6 giờ Hoàng đạo, nếu không phải các thần tự luân chuyển vị trí công tác cho vui, thì căn cứ vào đâu để khẳng định những giờ này chắc chắn sẽ phải xen kẽ như thế? Nếu phân biệt ngày đẹp, ngày xấu không dựa vào lý thuyết can chi ngũ hành, mà dựa vào sao này, sao kia chiếu, thì chẳng khác gì lấy cái hư để quy định cái thực, khiến cho nội dung lịch trở thành một mớ kiến thức hổ lốn! Cụ thể như ngày Ất Tỵ 29-2-2013 là ngày Hắc đạo, thì ngày Ất Tỵ 1-5-2013 cũng là ngày Hắc đạo, nhưng ngày Bính Tý 30-1-2013 là ngày Hoàng đạo thì cũng ngày Bính Tý 1-4-2013 lại là ngày Hắc đạo?
- Tiếp tục so sánh, tìm hiểu thêm hai cặp ngày cùng can chi, khác tháng sẽ thấy những chi tiết nội dung lịch khá nực cười: Ngày Hoàng đạo Bính Tý 30-1-2013 có 6 giờ Hoàng đạo là Tý-Sửu-Mão-Ngọ-Thân-Dậu và 6 giờ Hắc đạo là Dần-Thìn-Tỵ-Mùi-Tuất-Hợi; tuổi xung Canh Ngọ, Mậu Ngọ; hướng hỷ thần Tây Nam, thì ngày Hắc đạo Bính Tý 1-4-2013 cũng có 6 giờ Hoàng đạo, 6 giờ Hắc đạo, hướng hỷ thần, tuổi xung giống y chang ngày Bính Tý- Hoàng đạo! Vậy cần gì phải phân biệt ngày Hoàng đạo và Hắc đạo làm gì cho phức tạp? Và ngày Hắc đạo Ất Tỵ 29-2-2013 có 6 giờ Hoàng đạo, 6 giờ Hắc đạo, tuổi xung, hướng hỷ thần giống y hệt ngày Hắc đạo Ất Tỵ 1-5-2013, nhưng một ngày thì nói rõ những việc nên làm là tốt với mọi việc, còn một ngày lại răn chỉ tốt cho đắp đê, lấp hố rãnh? Rút cuộc thành ra nội dung cát - hung của ngày Hoàng đạo giống ngày Hắc đạo, còn nội dung cùng ngày Hắc đạo với nhau lại mang ý nghĩa khác?
- Cách phân chia giờ Hoàng đạo và Hắc đạo trong một ngày cũng tỏ vẻ chỉ để ra oai, quan trọng hóa, nhưng không có ý nghĩa thực tế nào. Ví như giờ Hoàng đạo là Dần - Hợi cũng là lúc đang ngủ ngon (những ai mất ngủ sẽ thành giờ cực hình), còn giờ Hắc đạo Tý-Sửu chẳng ảnh hưởng đến ai (trừ những kẻ đi ăn đêm)! Ngoài ra, những tuổi xung với ngày cũng không dựa trên nguyên tắc thống nhất mà tùy tiện, cẩu thả. Ví như ngày Đinh Mùi có 2 tuổi xung là Kỷ Sửu, Tân Sửu (vì Sửu-Mùi tương xung), nhưng ngày Giáp Tuất lại có 3 tuổi xung là Nhâm Thìn, Canh Thìn, Canh Tuất (vì Thìn-Tuất tương xung) nhưng thêm tuổi Canh Tuất dựa vào cơ sở nào? Nếu cùng chi và can khắc nhau thì Can # Mậu nên sẽ phải là Mậu Tuất! Nếu thế ngày Đinh Mùi cũng phải thêm tuổi xung nữa là Tân Mùi (vì Đinh # Tân) và lại còn các cặp chi tuổi tương hại nhau không kém cũng không thấy lịch khuyến cáo như (Tý * Mùi, Dậu * Tuất)? Tuy nhiên, nếu muốn theo lý thuyết can chi ngũ hành khắc nhau, thì tuổi can, chi xung với ngày còn nhiều, không chỉ có 3 tuổi như lịch đã liệt kê!
- Nếu lấy thuyết tam nguyên của Lão học để lý giải về việc trong ngày Hoàng đạo có giờ Hắc đạo và ngược lại là trong xấu có tốt, trong tốt có xấu tuy gượng ép nhưng tạm chấp nhận được. Nhưng với người có tuổi xung với ngày thì vào ngày Hoàng đạo thế nào và vào ngày Hắc đạo thế nào, mức độ ra sao? Thêm nữa, vào ngày Hắc đạo, giờ Hoàng đạo hoặc vào ngày Hoàng đạo, giờ Hắc đạo, khi đi hướng hỷ thần kết quả ra sao? Đối với tuổi xung thế nào, tuổi hợp thế nào có giống nhau không? Đi hướng hỷ có được hỷ sự không, nếu được vậy thì không thể nói đó là tuổi xung, còn nếu không được hỷ sự nào thì không thể gọi đó là hướng hỷ! Lại còn cả trường hợp tuổi xung với ngày Hoàng đạo, làm việc giờ Hoàng đạo, đi hướng hỷ thần và ngược lại tuổi hợp với ngày Hắc đạo, làm việc giờ Hắc đạo, đi hướng hỷ thấn kết quả có giống nhau không? Đó là chưa kể công việc không ai giống ai, có người chỉ ngồi tại chỗ làm việc trên mạng, trang web hay thu tiền ngân hàng vẫn kiếm tiền mà không cần phải tìm hướng nào hỷ! Còn trên thực tế, sự hỷ-nộ-ái-ố của con người là vô cùng, không có thước đo về sự thỏa mãn cá nhân và cũng không thể có chuyện tất cả mọi người ra khỏi nhà cùng đổ xô về một hướng hỷ để có được hỷ. Ví như đi ngược hướng hỷ đến nơi làm việc vẫn coi là đúng hướng hay như vào ngày Hắc đạo, nhưng đến kỳ phát lương nên mấy trăm công nhân (tất nhiên bao gồm cả người có tuổi xung và hợp) của một nhà máy đều được lĩnh lương (không thể lĩnh cùng vào giờ Hoàng đạo, mà phải lĩnh cả giờ Hắc đạo mới hết), thì không ai muốn phân biệt Hoàng, Hắc làm gì, miễn họ thấy thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình.
- Những câu chữ hướng dẫn trong lịch Vạn sự cũng tương đồng với lịch Vạn niên: Rất máy móc, mơ hồ, mâu thuẫn. Có những ngày ghi rõ là Hoàng đạo, tốt mọi việc nhưng lại trừ động thổ, mai táng? Thế thì động thổ, mai táng vào ngày nào? Chỉ có thể vào ngày Hắc đạo? Nhưng như vậy sẽ khiến các thầy cúng thất nghiệp vì những việc này lại vô cùng quan trọng theo phong tục cổ truyền, thậm chí người ta còn phải nhờ thầy, tra đủ loại sách chọn ngày lành, tháng tốt để tiến hành những việc đó! Ngược lại, có những ngày Hắc đạo như 30-5-2013 lại tốt với mọi việc, nhất là nhập gia, hôn nhân?! Thế có nghĩa là nên cưới xin vào ngày Hắc đạo chăng? Hóa ra, ý nghĩa của những ngày Hoàng đạo, Hắc đạo không có tiêu chí gì cụ thể, chắc chỉ tùy theo hứng người soạn lịch. Và cuối cùng, những việc nên làm trong cả ngày Hoàng, Hắc cũng chỉ loanh quanh vài việc cả năm, cả đời mới xảy ra, còn những việc thường xuyên diễn ra hàng ngày thì tùy khổ chủ, muốn làm thế nào cũng được! Thế thì không hiểu cuốn lịch này phục vụ đời sống xã hội kiểu gì? Liệu có mấy ai tin rằng, một kỳ thi hàng triệu thí sinh nếu rơi vào giờ Hoàng đạo thì đỗ hết, còn vào giờ Hắc đạo thì trượt hết? Hay cứ vào ngày, giờ Hoàng đạo mọi người nên đi về hướng hỷ thần của ngày đó thì toàn quốc không thể có tai nạn giao thông xảy ra!? Đúng là chuyện không thật mà dễ tin đến lạ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.