Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc và thời đại

TS Văn Thị Thanh Mai| 04/09/2010 06:52

(HNM) - 65 năm đã trôi qua kể từ mùa Thu năm ấy, song sự kiện trọng đại gắn liền với vận mệnh một quốc gia - bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử - văn kiện có giá trị về nhiều mặt "đã đi vào lịch sử văn hóa nhân loại, trở thành niềm tự hào vô hạn của dân tộc ta" vẫn gắn liền với một trong những vĩ nhân của thế kỷ XX - đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam".

Mang trong mình một trái tim nhiệt huyết, một hoài bão lớn lao: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, tất cả những điều tôi hiểu”(1), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc bôn ba tìm đường cứu nước. Người sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, chân lý của thời đại. Lựa chọn con đường giải phóng dân tộc theo quỹ đạo cách mạng vô sản, Người đã bằng những hoạt động thiết thực về lý luận và thực tiễn, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mùa Xuân năm 1930 - một trong những nhân tố quan trọng, có tính chất quyết định đến thành công của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa Thu năm 1945 sau đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (2-9-1945).  Ảnh tư liệu

Có Đảng tiền phong, có đường lối chính trị đúng đắn, có sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc quy tụ trong Mặt trận dân tộc rộng rãi, có một quân đội cách mạng kiểu mới “của dân, do dân, vì dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ khởi nghĩa từng phần, tiến tới vùng lên tổng khởi nghĩa, giành độc lập tự do. Tháng Tám 1945, khi thời cơ cách mạng đã chín muồi, với quyết tâm “thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng ta, toàn dân tộc đã vùng lên, đem sức ta tự giải phóng cho ta. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đã thành công (Hà Nội ngày 19-8, Huế ngày 23-8, Sài Gòn ngày 25-8...). Chính quyền cách mạng đã được xác lập trên cả nước.

Để chuẩn bị cho ngày lập quốc, đêm 28-8-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã khởi thảo Bản Tuyên ngôn độc lập. Văn bản pháp lý quan trọng này đã được soạn thảo ngay giữa lòng Hà Nội, tại ngôi nhà của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô (48 Hàng Ngang). Văn bản quan trọng này được Người trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng, các thành viên Chính phủ lâm thời, trong quần chúng nhân dân và ý kiến tham khảo của Patti - đại diện cho Đồng minh, với lòng mong muốn đó thực sự là “giấy khai sinh” Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Chỉ với 1.120 từ, nhưng Tuyên ngôn độc lập hàm chứa nội dung to lớn và sâu sắc. Bố cục của Tuyên ngôn độc lập gồm đoạn mở đầu (viết về cơ sở đạo lý và pháp lý), đoạn thứ hai (tố cáo tội ác của thực dân Pháp), đoạn thứ ba (chỉ rõ thực dân Pháp đã đầu hàng phát xít Nhật từ năm 1940), đoạn thứ tư (khẳng định Việt Minh đã chống Nhật, bảo hộ người Pháp) và đoạn cuối (là lời tuyên bố với Pháp, quân đồng minh và với thế giới). Tuyên ngôn độc lập là sự đúc kết cao nhất, cô đọng nhất nội dung cuộc Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng giải phóng đã đem lại một sự biến đổi chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc ta, dựng lên một xã hội tương lai không có áp bức giai cấp, không có tệ người bóc lột người, đồng thời đưa những “thần dân” Việt Nam, những “nô lệ” An Nam trở thành công dân một nước Việt Nam độc lập.

Tuyên ngôn độc lập là một văn bản pháp lý hiện đại, mang một giá trị đặc biệt, không chỉ giới hạn về quyền độc lập, tự chủ của dân tộc ta đối với nước láng giềng, mà còn khẳng định với toàn thế giới về sự ra đời một nước Việt Nam hiện đại, thoát ly chế độ thuộc địa của thực dân Pháp đã đầu hàng và chủ nghĩa phát xít Nhật đã bại trận, đồng thời chấm dứt luôn chế độ quân chủ từng tồn tại cả ngàn năm bằng sự thoái vị của ông vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn.

Lựa chọn và trích dẫn hai đoạn ngắn trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 về tư tưởng về nhân quyền, Hồ Chí Minh kết luận: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”(2).

Vì vậy, dân tộc Việt Nam đã trải qua một thế kỷ nô lệ, đã kiên cường đấu tranh và gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít, thì tất yếu “có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”(3). Tuyên bố của Người trong Tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa thực tiễn to lớn, đặc biệt khi nền độc lập dân tộc non trẻ đang bị các lực lượng thù địch bao vây tứ phía, khi hành trình bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng vĩ đại này vẫn còn rất gian truân và đầy thử thách.

Nâng quyền lợi con người thành quyền lợi dân tộc là một sáng tạo đến bất ngờ của Hồ Chí Minh. Cống hiến của Hồ Chí Minh vào lĩnh vực luật pháp quốc tế thể hiện rõ khi Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Sử dụng những trích dẫn của hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng đó và nâng lên thành quyền dân tộc cơ bản trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: Cách mạng Tháng Tám 1945 của Việt Nam là bước đi tiếp theo, là sự nối tiếp của con đường tiến hóa mà nhân loại đã và sẽ đi trong hành trình giải phóng con người. Giá trị thời đại của Tuyên ngôn độc lập chính là sự “suy rộng ra”, và đó là một bước phát triển vượt bậc, vượt gộp vĩ đại, và đó “không phải là một sự kiện riêng lẻ, cá biệt mà là một xu thế tất yếu của thời đại”(4).

Tuyên ngôn độc lập đã được cả dân tộc ta viết ra bằng máu, thể hiện nghị lực, quyết tâm giành và bảo vệ bằng được quyền sống trong độc lập, tự do đã tạo lý, tạo thế và tạo ra lực lượng đồng tình ủng hộ rộng rãi ở trong nước và trên thế giới đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, là một mốc son mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử Việt Nam hiện đại - giai đoạn nhân dân Việt Nam xây dựng và bảo vệ tư tưởng Việt Nam XHCN.

Giống với những áng “thiên cổ hùng văn” do ông cha ta đã để lại trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, hào sảng như “áng thơ thần bên sông Như Nguyệt” gắn với cuộc kháng chiến chống Tống của quân dân nhà Lý năm xưa, như Hịch tướng sĩ thời Trần, gắn với Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn thống lĩnh toàn dân đánh bại giặc Nguyên - Mông, hay Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi gắn liền với chiến thắng vẻ vang của cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh dưới ngọn cờ của minh quân Lê Lợi, Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh và thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam mùa thu 1945.

Bản Tuyên ngôn độc lập là tư tưởng, là tâm nguyện và kết quả của một hành trình tìm đường cứu nước và thực tế đấu tranh cách mạng của Người, đó đồng thời cũng là hiện thân của quá trình gặp gỡ lịch sử giữa một dân tộc giàu truyền thống và văn hiến với một thời đại - thời đại của độc lập, tự do và con người được giải phóng hoàn toàn. Con người bình dị mà vĩ đại ấy là Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

---------------------------------------------------------------
(1) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, H, 1970, tr.15.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.4, tr.1.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.3-4.

(4) Bộ Tư pháp, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Những giá trị và ý nghĩa thời đại, Nxb. CTQG, H, 1996, tr.24.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc và thời đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.