VPF cam kết kể từ năm 2013 trở đi sẽ khai thác bản quyền truyền hình các giải đấu với giá trị tối thiểu là 50 tỷ đồng/năm (tương đương 2,5 triệu USD), nghĩa là tăng gấp khoảng 8 lần so với thời kỳ AVG nắm giữ bản quyền truyền hình.
Đầu tháng 12/2010, nhằm tránh việc phân phối độc quyền và để mở rộng việc quảng bá giải đấu hàng đầu của mình, LĐBĐ Thái Lan (FAT), BTC giải VĐQG Thái Lan (Thai-League), Siam Sport và True Vision Co.Ltd đã cùng nhau ký kết một bản hợp đồng truyền hình có thời hạn 3 năm từ năm 2011 đến năm 2013.
Bản quyền truyền hình V-League cao nhất Đông Nam Á |
Theo đó, để có được bản quyền phát sóng trực tiếp tất cả các trận đấu trong khuôn khổ Thai-League trong vòng 3 năm, True Vision và Siam Sport đã phải bỏ ra cho BTC Thai-League một số tiền là 40 triệu baht (tương đương 27,5 tỷ đồng) trong năm đầu tiên. Gói bản quyền này sẽ được tăng thêm 16 triệu baht sau mỗi năm và sẽ trở thành 72 triệu baht vào năm 2013 (tương đương 49,5 tỷ đồng). Như vậy sau 3 năm, bản quyền truyền hình Thai-League dự kiến sẽ tăng lên gấp 1,8 lần.
Trong khi đó, cũng giống như FAT, LĐBĐ Singapore (FAS) cũng chia sẻ bản quyền truyền hình S-League cho nhiều đối tác khác nhau. Vào tháng 7/2010, FAS đã ký hợp đồng 3 năm với tập đoàn truyền thông StarHub để tập đoàn truyền thông này được quyền phát sóng trực tiếp các trận đấu trong khuôn khổ giải vô địch quốc gia Singapore (S-League) cũng như của ĐT Singapore trên kênh thể thao miễn phí 24/24 mang tên SuperSports Arena (kênh 122).
Bên cạnh đó, bản quyền truyền hình trực tiếp S-League còn được FAS bán cho kênh Channel 5 của hãng truyền hình Media Corp TV nhằm mục đích tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng truyền hình trong việc quảng bá hình ảnh của S-League.
Tổng số tiền mà FAS thu được qua việc bán 2 gói bản quyền truyền hình nói trên trong năm đầu tiên là khoảng 2,2 triệu SGD (tương đương 37 tỷ đồng). Con số này dự kiến sẽ tăng lên thành 3 triệu SGD (tương đương 50,5 tỷ đồng) vào năm 2013, nghĩa là tăng gấp 1,36 lần so với ban đầu.
Như vậy, nếu VPF thực hiện được đúng như cam kết trong biên bản ghi nhớ thì đến năm 2013 trị giá bản quyền truyền hình của V-League sẽ tương đương với S-League và Thai-League, các giải VĐQG hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á hiện nay. Thậm chí nếu xét về mức độ gia tăng thì V-League của chúng ta còn vượt trội so với 2 giải đấu này (giá trị bản quyền truyền hình tăng tới 8 lần trong vòng 3 năm).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.