Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản quyền hình ảnh - "Mỏ vàng" của bóng đá

Minh Quang| 10/02/2018 06:59

(HNM) - Câu chuyện về bảng báo giá của một công ty truyền thông, liên quan đến khai thác hình ảnh và trang cá nhân trên mạng xã hội của thủ thành đội tuyển U23 Việt Nam Bùi Tiến Dũng đã lắng xuống. Thế nhưng, chuyện này cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp trong việc khai thác

Chuyện bản quyền hình ảnh

Việc khai thác hình ảnh của cầu thủ đã không còn mới trong làng bóng đá thế giới, bởi đây là nguồn thu nhập đáng kể của cầu thủ cũng như câu lạc bộ (CLB) sở hữu họ. Đây cũng là một mặt của bóng đá chuyên nghiệp, nơi cầu thủ sống được bằng tài năng của mình và những thứ liên quan đến bản thân. Khai thác hình ảnh đã trở thành “con gà đẻ trứng vàng” với nhiều cầu thủ, kể cả khi đã giải nghệ.

Bóng đá Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp trong việc khai thác hình ảnh cầu thủ.


Điển hình như C.Ronaldo hay L.Messi đang là những cầu thủ có thu nhập cao nhất từ khai thác hình ảnh cá nhân. Giữa họ và CLB chủ quản luôn có quy định chia lợi nhuận từ khai thác hình ảnh. Đấy là yếu tố quan trọng mỗi khi họ đàm phán, chuẩn bị ký hợp đồng mới hoặc gia hạn hợp đồng với các CLB.

Trong làng bóng đá Việt Nam, đây lại là vấn đề mới với nhiều CLB và cầu thủ. Hiếm CLB nào được như Hoàng Anh Gia Lai, nơi đã đề ra cả một chiến lược khai thác hình ảnh cầu thủ vào mục đích thương mại. Ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng đoàn bóng đá Hoàng Anh Gia Lai từng chia sẻ, Hoàng Anh Gia Lai có người quản lý cả về hình ảnh và truyền thông cho các cầu thủ. "Cầu thủ và CLB thống nhất về cách làm, sự kiện nào cầu thủ tự quyết, sự kiện nào do CLB quyết định. Ngay như trang Facebook cá nhân hay fanpage chính thức của các cầu thủ cũng do CLB quản lý. Cầu thủ có người đại diện cũng phải được sự đồng ý của CLB", ông Nguyễn Tấn Anh nói. Ngoài ra, các cầu thủ được hưởng một phần nguồn thu từ quảng cáo, một phần khác sẽ thuộc về CLB và được sử dụng để đào tạo các cầu thủ kế cận.

Tuy nhiên, không phải mọi CLB đều có chiến lược rõ ràng như Hoàng Anh Gia Lai. Và không phải cầu thủ hay chính những công ty tự nhận là đại diện cho cầu thủ đều hiểu rõ quy tắc của luật chơi. Điển hình nhất chính là việc một công ty tự nhận là đại diện, quản lý hình ảnh của thủ thành Bùi Tiến Dũng đưa ra bảng báo giá mà chưa nhận được sự đồng ý của CLB chủ quản thủ thành này. Còn thủ môn này cũng chưa nắm hết nghĩa vụ, quyền lợi của mình trong bản hợp đồng với đội bóng chủ quản hiện tại dẫn đến đồng ý, để công ty kia trở thành đại diện cho mình. Trong khi đó, hợp đồng của thủ thành này với đội bóng chủ quản quy định, anh sẽ phải thông qua CLB chủ quản trong việc khai thác hình ảnh cho đến năm 25 tuổi.

Hiện nay, theo thông tin được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đưa ra là chưa có đơn vị, cá nhân nào đến Liên đoàn để nộp hồ sơ xin trở thành đại diện, quản lý hình ảnh cho cầu thủ. Như vậy, điều tối thiểu nhất để trở thành đại diện chính đáng, hợp pháp cho cầu thủ cũng bị xem nhẹ. Điều này đã dẫn đến những chuyện dở khóc, dở cười như trong thời gian qua.

Khai thác hình ảnh cần bài bản hơn

Xét cho cùng, việc khai thác hình ảnh của vận động viên là chính đáng. Thực tế, từ trước đến nay, khi ký hợp đồng với CLB, các vận động viên Việt Nam, trong đó có giới cầu thủ, ít chú ý điều này. Họ chỉ quan tâm đến lương, thưởng, trong khi những quy định rõ ràng, cụ thể về việc phân chia lợi nhuận bản quyền hình ảnh lại không được để tâm. Câu chuyện này cũng có lý do khi CLB gặp hạn chế trong khả năng kiếm tiền, vận động tài trợ. Vì vậy, các CLB lại không chú ý đến khai thác hình ảnh cầu thủ. Còn các cầu thủ cũng không coi đây là nguồn thu nhập của chính bản thân. Đến khi xảy ra trường hợp của thủ thành Bùi Tiến Dũng, nhiều người mới giật mình về sức hút của những thương hiệu cá nhân từ giới vận động viên.

Có thể thấy, trong nhiều góc cạnh của một nền bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, những nguồn lực, nguồn thu của chính CLB chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, nhiều CLB vẫn kêu khó thu hút được doanh nghiệp để thực hiện những hợp đồng mang lại nguồn thu không nhỏ cho chính CLB. Còn cầu thủ lại không được trang bị những kỹ năng cơ bản để ý thức rõ hơn về khai thác hình ảnh cá nhân. Vì thế, khi có người đề nghị được làm đại diện cho cầu thủ, cầu thủ đã đồng ý mà không nghĩ đến bản hợp đồng trước đó của mình với CLB chủ quản. Vì vậy, giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn chỉ được xem như giải bán chuyên nghiệp.

Thực tế, tài năng của các vận động viên có thể được nhân lên ở cả những cuộc chơi ngoài sân cỏ. Quan trọng họ phải biết mình là ai, đang ở đâu, được làm gì khi còn ràng buộc hợp đồng với CLB chủ quản. Còn các CLB cũng phải chú ý đến việc khai thác hình ảnh cầu thủ để “lấy bóng đá nuôi bóng đá”. Có thể, từ vụ việc của thủ thành Bùi Tiến Dũng mà mọi sự có thể thay đổi trong thời gian tới. Các CLB cũng như chính cầu thủ đã ý thức rõ hơn về những việc có thể làm được nhằm mang lại nguồn thu cho các bên. Ngoài ra, sẽ là sự xuất hiện của đông đảo người đại diện cho cầu thủ để tìm những hợp đồng có lợi cho cầu thủ, doanh nghiệp. Đấy cũng là xu hướng tất yếu trong làng bóng đá chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bản quyền hình ảnh - "Mỏ vàng" của bóng đá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.