Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băn khoăn việc trích lập quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

H.V| 26/10/2010 15:47

(HNMO) – Có hay không nên yêu cầu doanh nghiệp trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm là vấn đề gây nhiều tranh luận trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm chiều 26/10.


Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, quy định về việc trích lập quỹ dự phòng bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm là cần thiết vì hoạt động kinh doanh bảo hiểm là một hoạt động chứa rủi ro. Tuy nhiên, luật cần quy định rõ hình thức, nội dung, mức độ, tỷ lệ trích lập quỹ này.

Không đồng tình việc lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm, đại biểu Phạm Trung Kiên (Cần Thơ) cho rằng, các quy định hiện tại đã đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm rồi, không nhất thiết phải trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm nữa.

“Hiện người tham gia bảo hiểm và người kinh doanh bảo hiểm ràng buộc với nhau bằng rất nhiều các điều khoản trong hợp đồng, nên nếu doanh nghiệp phải trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm nữa thì sẽ thêm sức ép với doanh nghiệp và thực tế cũng sẽ rất khó chi quỹ này”, đại biểu Kiên nói.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng chung băn khoăn trên. Theo đại biểu Minh, việc bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm đã có quỹ dự phòng, giờ lại thêm một quỹ nữa thì không nên.

“Nếu chúng ta thấy vẫn chưa bảo đảm được quyền lợi cho người mua bảo hiểm thì phải dùng biện pháp khác, như nâng vốn điều lệ, quỹ dự phòng… lên”, đại biểu Minh đề nghị.


Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) đã đứng trên quan điểm ủng hộ việc trích lập quỹ và giải thích, việc doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trích lập quỹ dự phòng như hiện tại đang thực hiện là trong trường hợp doanh nghiệp còn hoạt động tốt, nếu công ty bị phá sản thì người mua vẫn bị thiệt hại.

“Nếu quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm được thiết lập thì chúng ta mới có công cụ bảo vệ người được bảo hiểm”, đại biểu Lịch nói.

Việc trích lập quỹ này theo đại biểu Lịch càng cần thiết với kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ vì đây là bảo hiểm lâu dài, chứa đựng nhiều rủi ro hơn.

Đại biểu Lịch cũng ủng hộ quan điểm sửa luật từng bước chứ chưa sửa toàn diện, vì kinh doanh bảo hiểm là một trong ba thị trường quan trọng của thị trường tài chính.

“Chúng ta sửa luật nhưng phải bảo đảm tính bền vững cho thị trường tài chính và an toàn cho người được bảo hiểm, nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ”, đại biểu Lịch đề nghị.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là việc quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Theo đại biểu Hoàng Văn Minh (Nghệ An), hiện Việt Nam đang sử dụng có hiệu quả 2 công cụ thanh tra và kiểm tra trong quản lý Nhà nước. Giờ nếu dự luật này thêm công cụ giám sát thì vị trí pháp lý của nó như thế nào, hoạt động theo cơ chế nào, trình tự hậu quả ra sao… Những điều này trong dự luật chưa thể hiện rõ.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định này để đảm bảo sự thống nhất về mặt pháp luật, trên cơ sở đó mới tổ chức được bộ máy phù hợp, đảm bảo hoạt động hiệu quả”, đại biểu Minh nói.

Đại biểu Minh cũng băn khoăn về việc dự luật có tới 7/16 điều giao Chính phủ quy định. Theo ông, nếu có thể, nên quy định rõ trong luật, cố gắng cụ thể đến mức tối đa, có những điều không nhất thiết phải chờ Chính phủ, để đảo bảo khi luật ra đời có thể thực thi được ngay.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thay mặt ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu.

Về quy định thành lập quỹ bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm, Bộ trưởng cho biết, hiện luật đã cho phép trích lập quỹ rủi ro nhưng quỹ này chủ yếu để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chứ không phải tập trung cho người được bảo hiểm.

Bộ trưởng cho biết, quỹ bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm đúng là trích từ nguồn phí đóng bảo hiểm của người được bảo hiểm, nhưng sẽ không dùng để thanh toán trong hoạt động của doanh nghiệp mà đề phòng trường hợp khi doanh nghiệp gặp rủi ro, không có khả năng thanh toán thì dùng quỹ này chi trả cho người được bảo hiểm.

“Qua tham khảo, hầu hết các nước đều có quỹ này”, Bộ trưởng cho biết.

Giải thích việc dự luật còn nhiều điểm giao Chính phủ quy định, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, do đây là một luật chuyên ngành. Tuy nhiên, Ban soạn thảo sẽ cụ thể hóa hơn các điều luật, không quy định quá chung như vậy, để trên cơ sở những nguyên tắc đó, Chính phủ quy định chi tiết hơn. Nhưng ông cũng đề nghị, có những điều luật cần giao Chính phủ quy định để linh hoạt, kịp thời sửa đổi cho phù hợp với tình hình.

Về các quy định về thanh tra, kiểm tra và giám sát, theo Bộ trưởng, trong thị trường tài chính, yêu cầu này càng đòi hỏi cao. Các nước thị trường phát triển đều có cơ quan thanh, kiểm tra chuyên ngành, thành lập mô hình tập trung cho cả thị trường ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm. Hiện Việt Nam chưa có điều kiện thành lập mô hình này nhưng Ban soạn thảo vẫn muốn có quy định trong luật về thanh, kiểm tra và giám sát để tăng cường thêm trách nhiệm quản lý Nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn việc trích lập quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.