(HNMO)- Thảo luận về dự thảo NQ sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ 66 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, các đại biểu tán đồng việc nâng quy mô vốn công trình, dự án quan trọng quốc gia cần được QH cho ý kiến, nhưng băn khoăn nhiều về việc nên quyết định một con số cụ thể hay theo tỷ lệ GDP.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết - Lạng Sơn phân tích, việc điều chỉnh từ 20.000 tỷ lên 35.000 tỷ, số đó tính ra vào khoảng 2,4% GDP, là "lớn lắm".
"Điều này Quốc hội nên tính toán vì so với GDP thấy như thế rất là lớn. Chúng tôi xin nhắc điểm này vì đầu tư cho toàn bộ khoa học và công nghệ, Quốc hội quyết chi từ 2-3% ngân sách và vào khoảng 0,5% GDP, còn đầu tư cho giáo dục là 20% ngân sách nhưng chỉ là 6% GDP. Như vậy, đầu tư một công trình mà tới 2% là rất lớn", đại biểu Thuyết nói.
Đại biểu Thuyết đề nghị, nên quy định là đầu tư từ 2% GDP trở lên thì đưa vào công trình Quốc hội cần phải xem xét.
Chung quan điểm với đại biểu Thuyết, đại biểu Nghiêm Vũ Khải - Điện Biên cũng đề nghị cân nhắc lại việc quy định quy mô vốn công trình, dự án trọng điểm quốc gia theo hướng lâu dài, ổn định.
"Tôi cho rằng tính đi tính lại để nghị quyết có thời gian thực hiện lâu dài, hơn nữa theo Báo cáo của các cơ quan và bên Chính phủ GDP của chúng ta tăng trưởng theo kế hoạch tương đối nhanh, mà một nghị quyết tôi nghĩ lâu dài thì tổng số vốn nên tính theo GDP và tiền vốn có nguồn gốc Nhà nước cũng nên tính theo phần trăm của ngân sách Nhà nước. Cho nên tôi đề xuất phương án là cứ dự án nào mà chi tổng đầu tư khoảng 2% GDP", đại biểu Khải nói.
Cùng quan tâm đến sự bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đại biểu Lê Việt Trường - An Giang cho rằng, QH không cần quan tâm số lượng vốn của một công trình là bao nhiêu, bởi vì các nhà đầu tư khác có thể tham gia vào một dự án hay là một công trình nhiều bằng tiền của họ, mà cần quan tâm đến tiền từ nguồn ngân sách Nhà nước.
"Theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội cũng như Luật ngân sách thì Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách Nhà nước, hàng năm Quốc hội chúng ta vẫn phân bổ bằng con số tuyệt đối cụ thể. Không có lý gì bây giờ chúng ta quyết định quy mô vốn trong một công trình hoặc một dự án thì chúng ta lại quyết định số % mà có tính chất chung chung. Cho nên để bảo đảm tính thống nhất đó là khi quyết định phân bổ ngân sách thì Quốc hội vẫn quyết định là phân bổ bằng con số tuyệt đối, tổng thu bao nhiêu, tổng chi bao nhiêu, chúng ta chi cho các lĩnh vực bao nhiêu, trong số đó chúng ta quyết cả vậy thì không có lý gì bây giờ chúng ta lại có 2 quyết định khác nhau", đại biểu Trường nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Xuân - Tây Ninh lại ủng hộ việc xác định một con số tuyệt đối về quy mô vốn dự án.
Theo luận điểm của đại biểu Xuân, "mặc dù con số tuyệt đối này sẽ lạc hậu theo thời gian nhưng chúng ta cũng không thể lấy theo GDP, vì con số này mỗi năm mỗi khác, có những dự án chúng ta kéo dài 20-30 năm".
"Nghị quyết 66 ra đời cách đây 4 năm, bây giờ chúng ta sửa và nếu 5 năm sau chúng ta sửa nghị quyết này lần nữa thì cũng không có gì khó khăn lắm, vì đây là nghị quyết mang tính chất điều hành và cứ khoảng 5-6 năm chúng ta sửa một lần khi tình hình có những thay đổi", đại biểu Xuân nói.
Tiếp cận dưới góc độ khác, đại biểu Vũ Quang Hải - Hưng Yên cho rằng, quan tâm đến số tuyệt đối nhưng tất cả những con số đó được đưa ra đều dựa trên sự "không chính xác".
"Vấn đề khái niệm dự án đó được xác định như thế nào là một dự án hoàn chỉnh, những dự án phụ trợ không tính vào đây nhưng để đảm bảo một dự án hoàn chỉnh phải có đầy đủ, khi dự án hoàn thành phải có kết quả và trong quá trình thực hiện phải mang lại hiệu quả. Do vậy, để tránh phân ra nhiều dự án tôi nghĩ chúng ta phải làm rõ khái niệm một dự án hoàn chỉnh như thế nào để trình ra Quốc hội, tránh tình trạng có những việc khi đã làm một dự án rồi, sau đó làm tiếp một số dự án khác, như thế phát huy được hiệu quả và đặt Quốc hội vào tình hình rất khó. Đó là vấn đề con số tuyệt đối của chúng ta đề nghị 32 nghìn tỷ nhưng tôi nghĩ nếu không làm rõ khái niệm này thì chúng ta đang chính xác trên một loạt sự không chính xác", đại biểu Hải nói.
Đại biểu Ngô Minh Hồng - TP Hồ Chí Minh lại đưa ra một quan điểm khác. Theo đại biểu Hồng, qui mô tổng vốn có hai tiêu chí: tổng vốn đầu tư và tỷ lệ phần trăm của vốn Nhà nước trong đó.
"Nếu chúng ta chỉ xét ở tỷ lệ phần trăm vốn Nhà nước, chúng tôi nhân lên thấy tối thiểu nếu Nhà nước chỉ cần tham gia vào 10.500 tỷ là đã cần phải đưa ra Quốc hội rồi. Cho nên chúng tôi đề nghị cân nhắc, chúng ta có cần phải xác định qui mô tổng vốn hay không, hay chúng ta chỉ lấy tiêu chí về vấn đề phần vốn Nhà nước tham gia vào đây thôi?", đại biểu Hồng gợi mở.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm - Thái Bình cho rằng, việc quyết định số tuyệt đối hay số tương đối, mỗi nội dung đều có những lợi hại, thuận và không thuận khác nhau.
"Nếu chúng ta quyết định số tuyệt đối thì thời gian thực hiện theo tôi là ngắn hơn và khả năng kiểm soát của chúng ta dễ hơn. Về số tương đối thì cũng dễ tính hơn, thời gian dài hơn, nhưng khả năng kiểm soát khó hơn và khi chúng ta có thay đổi gì thì cũng có một thời gian rất dài", ông Kiêm nói.
Theo đại biểu Kiêm, nếu QH quyết định ở số tương đối thì trong quá trình thực hiện phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, bên trong diễn biến rất nhanh, rất cụ thể, ví dụ như vấn đề suy giảm kinh tế, lạm phát, thiên tai hay những vấn đề bất trắc về chính trị diễn biến trên thế giới và theo đó là những vấn đề bất trắc của Việt Nam trong điều hành, mà trình độ dự báo, dự đoán của Việt Nam hiện còn "rất hạn chế".
Đại biểu Kiêm đề xuất, để đảm bảo quyết định của QH tương đối chính xác và hiệu quả hơn, nên quyết định ở mức tuyệt đối.
"Quyết định ở mức tuyệt đối có nhiều ưu thế hơn, vì trong đó có 2 điểm: Một là quyết ở số tuyệt đối có phần đuôi đằng sau mà tôi rất tán thành là được chuyển đổi, được tính ra khi có trượt giá hằng năm, từ đó chúng ta có thể căn cứ vào trượt giá chúng ta chỉnh hoặc chúng ta kiểm soát rất dễ. Thứ hai, lấy số tuyệt đối thì có nhiều ưu thế hơn, dễ thực hiện hơn cho các đơn vị đầu tư, dễ kiểm tra, kiểm soát hơn đối với các cơ quan quản lý Nhà nước và dễ giám sát hơn đối với Quốc hội", đại biểu Kiêm phân tích.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - TP Hà Nội ủng hộ việc nâng quy mô vốn nhưng chưa tán thành với con số đề nghị của Chính phủ.
"Nghị quyết số 05 năm 1997 đã quy định tiêu chí vốn là 10 nghìn tỷ đồng, 9 năm sau, nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 05 tức là Nghị quyết 66 năm 2006 thì quy định nâng tiêu chí lên là 20 nghìn tỷ đồng. Đến nay, chỉ sau 4 năm, Chính phủ lại trình Quốc hội, đề nghị nâng mức lên thành 35 nghìn tỷ. Chúng tôi chưa thấy có cơ sở đề nghị nâng tổng vốn đầu tư theo hệ số cao như thế. Nếu tính trượt giá trong 4 năm qua so với 9 năm trước thì có phải là 30 nghìn tỷ đồng không và Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đã có đề nghị xem xét ở 30 nghìn tỷ đồng là phù hợp", đại biểu Khánh nói.
Về tiêu chí vốn, đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh phân tích, dự thảo đề xuất nâng quy mô vốn dự án quan trọng lên 35 ngàn tỷ và tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm 1/3, điều này có nghĩa là dự án, công trình nào dồn cả 100 ngàn tỷ mà không có tiền của Nhà nước thì là không quan trọng.
"Hiện nay nhiều dự án đầu tư 5 - 7 tỷ đôla, hàng trăm ngàn tỷ thì coi như không quan trọng mà có tiền Nhà nước là quan trọng. Tôi đề nghị giải quyết vấn đề này căn cơ ở chỗ nào, đó là giải quyết quyền kiểm soát của Quốc hội đối với việc Nhà nước đầu tư dưới các hình thức, kể cả doanh nghiệp, kể cả vốn cho có hiệu quả, kiểm soát bằng Luật đầu tư công", đại biểu Lịch nói.
Theo đại biểu, luật đầu tư công phải chế định 2 nội dung: Nhà nước đầu tư không có mục tiêu lợi nhuận, tức là Nhà nước với tư cách Nhà nước; Nhà nước đầu tư với tính chất kinh doanh, tức là Nhà nước với tư cách nhà đầu tư.
"Tôi đồng tình bây giờ chúng ta phải nâng lên, 25.000 tỷ hay 30.000 tỷ cũng là áng chừng, trượt giá cũng áng chừng, không có cơ sở rõ ràng, tôi đề nghị trước mắt ước thì nâng như vậy, không đi sâu vấn đề khác", đại biểu Lịch nói.
Không thể căn cứ theo GDP
Giải trình rõ thêm về việc đề nghị nâng quy mô vốn cho các dự án, công trình trọng điểm quốc gia cần QH cho ý kiến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, sở dĩ Chính phủ đề nghị mức 35 nghìn tỷ là do hiện nay quy mô vốn đầu tư và quy mô nền kinh tế ngày một lớn nên các dự án đầu tư có 20 ngàn tỷ rất nhiều, cho nên, mới lấy quy mô vốn là 35 ngàn tỷ.
"35 ngàn tỷ nếu chúng ta lấy theo tỷ giá là 19 ngàn đồng cho một đô la thì quy mô vốn vào khoảng 1.850.000.000 đô la", Bộ trưởng nói.
Quan điểm nên căn cứ vào 35 ngàn tỷ hay căn cứ vào ngân sách, căn cứ vào GDP, theo Bộ trưởng Phúc, nếu căn cứ vào GDP thì Luật ngân sách quyết định là năm sau thì mới có Báo cáo quyết toán ngân sách của năm trước nữa và theo Luật thống kê đến tháng 7 của năm nay mới có Báo cáo về thống kê GDP của năm trước. Vậy nếu xác định theo GDP thì lấy con số nào để lập dự toán?
"GDP thì năm nay chẳng hạn so với năm 2008 tăng hơn nhau khoảng 25%. Nếu chúng ta lấy con số từ năm 2008 thì không đủ điều kiện. Con số dự phòng thay đổi như thế thì có phù hợp hay không?", Bộ trưởng Phúc đặt vấn đề.
Theo Bộ trưởng, không thể căn cứ vào GDP, căn cứ vào ngân sách được, bởi vì con số có tính pháp lý để xác định thì phải chậm mất 2 năm mới có con số chính thức xác định bằng pháp lý. Chính vì vậy Chính phủ mới đưa con số cụ thể là 35 ngàn tỷ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.