(HNM) -Nếu được Chính phủ thông qua, phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm sẽ được thực hiện từ ngày 1-1-2012. Nội dung còn nhiều băn khoăn là giải quyết chế độ cho giáo viên (GV) như thế nào cho tương xứng khi thời gian làm việc một ngày của họ sẽ kéo dài thêm 2 giờ?
Theo phương án của Hà Nội đề xuất, thời gian học của các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn TP từ 7h30 đến 17h30, tức là thời gian bắt đầu học buổi sáng muộn hơn 30 phút và kết thúc cũng muộn hơn 30 phút vào buổi chiều. Ngoài ra, các nhà trường phải bố trí GV nhận HS từ 7h sáng và trả HS đến 18h chiều. Dù được đánh giá là khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay và ít gây xáo trộn nhất, song với các nhà trường thì đây là một sự thay đổi khá lớn. Thời gian làm việc của GV lúc này sẽ phải kéo dài hơn 2 giờ, thậm chí hơn 2 giờ mỗi ngày, tùy theo cấp học. Ví dụ như với mầm non, GV luôn phải đến sớm và về muộn hơn ít nhất 15 phút để làm các việc phục vụ đón - trả trẻ.
Do đặc thù ngành học, hầu hết các trường mầm non và một số trường tiểu học trên địa bàn TP hiện nay đã tự điều chỉnh giờ đón - trả HS để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh yên tâm đi làm. Thời gian trông trẻ sớm, muộn ra sao, kinh phí thế nào là thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh. Nhưng khi đã thành quy định của TP thì việc này sẽ không còn là thỏa thuận nữa. Việc thu tiền của phụ huynh có lẽ cũng sẽ khó thuyết phục. Vì vậy, việc giải quyết chế độ kinh phí cho GV hợp lý, khích lệ họ yên tâm làm việc và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho HS, nhất là với HS lứa tuổi mầm non đang khiến nhiều người quan tâm.
Vấn đề được đề cập nhiều là định mức biên chế cho GV như thế nào để bảo đảm sức khỏe, không trái với Luật Lao động và các quy định hiện hành. Đơn cử như ở cấp học mầm non, theo quy định của Bộ GD-ĐT, đối với lớp nhà trẻ thì 8 cháu/1 cô, mẫu giáo là 30-35 cháu/2 cô, cứ thêm 10 cháu là 1 cô. Thế nhưng hiện nay, hầu hết các lớp mẫu giáo trên địa bàn TP đều có số lượng trẻ ở mức quá tải, trung bình khoảng 55-60 trẻ/lớp, có nơi trên 70 trẻ/lớp, nhưng số GV/lớp thường ở mức 3 cô/lớp, do thiếu GV. Nếu thực hiện theo quy định của TP thì thời gian và cường độ làm việc của GV mầm non - vốn đã vất vả nay sẽ càng căng hơn. Trong khi đó, mới đây, ngày 25-10-2011, trong Quy định về chế độ làm việc với GV mầm non, Bộ GD-ĐT đã ra quy định thời gian GV dạy trên lớp là 6 giờ/ngày, 2 giờ còn lại để thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp như soạn giáo án, làm đồ dùng… Để thực hiện theo quy định mới này, rõ ràng là các trường phải được bổ sung thêm một số lượng khá lớn GV thì mới có thể bố trí thay nhau dạy trực tiếp trên lớp và bảo đảm thời gian thực hiện các nhiệm vụ khác.
Tìm phương án hiệu quả để giải quyết được mọi vấn đề đặt ra từ thực tiễn vào thời điểm này xem ra rất khó, bởi Hà Nội còn thiếu đến hơn 3.000 GV mầm non. Dù đã có nhiều chính sách "chiêu hiền đãi sĩ", nhưng do áp lực công việc và nguồn thu nhập thấp nên sinh viên ít mặn mà với ngành học này, các trường vì vậy luôn thiếu nguồn tuyển.
Việc quản lý, chăm sóc HS muộn hơn sẽ gặp một khó khăn cũng hết sức đặc thù nữa, đó là tỷ lệ GV nữ ở các trường tiểu học thường chiếm phần lớn, còn ở mầm non là 100%. Hầu hết GV ở hai cấp học này đều còn trẻ, trong độ tuổi thai sản hoặc có con nhỏ. Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, nếu có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, GV mầm non được giảm 5 giờ dạy/tuần, tức là mỗi ngày chỉ phải làm việc 7 giờ, được về sớm hơn 1 giờ. Tuy nhiên, giữa thực tế và yêu cầu nhiệm vụ hiện nay khiến ban giám hiệu các trường rất khó khăn khi sắp xếp công việc cho GV sao cho hợp lý, hợp tình; việc đặt ra yêu cầu làm thêm giờ đôi khi phải như… cưỡng chế. Với vô số công việc nội trợ của người phụ nữ trong gia đình, nếu không sớm có những chính sách thiết thực để động viên, bù đắp cho sự gắn bó với nghề thì có lẽ, khó thể đòi hỏi các cô giáo chuyên tâm thực sự cho công việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.