Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băn khoăn quy định giá trần, giá sàn vé máy bay nội địa

Mai Hữu| 23/05/2023 17:24

(HNMO) - Trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, tuy nhiên đại biểu Quốc hội lại đề nghị bỏ cả quy định về giá trần và giá sàn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Quy định 10 mặt hàng được bình ổn giá

Chiều 23-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, đến nay danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm 10 mặt hàng, bao gồm: Xăng, dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; sữa dành cho người cao tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; thịt lợn; phân đạm, phân DAP, phân NPK; thức ăn chăn nuôi thức ăn thủy sản; vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong điều kiện hiện nay nên duy trì vì Quỹ là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Thực tế cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu.

Về dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa là cần thiết. Về ý kiến đề nghị xem xét mối quan hệ giữa Luật Giá với quy định về chống bán phá giá khi có hãng hàng không định “mức giá 0 đồng”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện hành thì các chính sách về chống bán phá giá chỉ áp dụng đối với thương mại quốc tế (giữa các quốc gia). Do vậy, không có mối quan hệ với giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

“Mức giá 0 đồng” là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định. Thời gian qua, một số hãng áp dụng "giá vé 0 đồng” như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng cho một số ít ghế trong một chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng. Các hãng hàng không đều xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá khác nhau, tương ứng với các điều kiện, thời điểm khác nhau. Doanh thu, chi phí sẽ được tính tổng chung theo chuyến bay, đường bay.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) phát biểu.

Kích cầu vận chuyển bằng máy bay

Góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) đề xuất bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay. Theo đại biểu, việc bỏ giá trần, giá sàn đối với vé máy bay cũng sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải khác, bảo đảm các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. “Vận tải hàng không không phải là dịch vụ thiết yếu, cũng như vận tải đường sắt, các hãng vận tải phải có sự cạnh tranh công bằng trong dịch vụ vận tải, phản ánh đúng quy định thị trường và quy luật cung cầu”, đại biểu nói.

Từ kinh nghiệm quốc tế, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, việc không quy định giá trần, giá sàn đối với vé máy bay sẽ tạo điều kiện để các hãng hàng không thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa nhiều chương trình giá phù hợp, tăng các mức giá rẻ nhằm kích cầu và khuyến khích người dân tham sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.

Nhận định trong dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, có nhiều hạng khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) đề nghị cần quy định rõ hơn trong dự thảo Luật. Cụ thể, chỉ có dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông thì mới thuộc danh mục dịch vụ do Nhà nước định giá, còn hạng thương gia, phổ thông đặc biệt thì để doanh nghiệp tự định giá theo cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đối với giá sàn và giá trần của hàng không nội địa, phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc giữ giá trần giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa. Vì vậy, cần giữ giá trần hàng không nội địa. Về giá sàn, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn, các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, nhiều hạng vé, do đó cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn quy định giá trần, giá sàn vé máy bay nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.