Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băn khoăn ở làng cổ xứ Đoài

Đức Hải| 06/10/2010 10:11

(HNMCT) - Đang vụ gặt nên làng Đường Lâm được trải tấm thảm rơm còn thơm mùi lúa chín. Nhìn những chiếc xe bò, xe cải tiến tấp nập đi qua cổng làng Mông Phụ, cái cổng làng nổi tiếng đã hàng trăm năm tuổi, càng thấy các nhà khoa học gọi ngôi làng Việt cổ này là “bảo tàng sống về lối sống nông nghiệp” quả là có cơ sở.


1. Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Mông Phụ) lúc vừa vãn khách. Sắp cuối thu mà nắng vùng đồi gò vẫn rát mặt, nhưng bước vào cổng thì thư thái hẳn. Nhà kiểu “5 gian, 2 dĩ” chừng trăm mét vuông nằm giữa khuôn viên hơn 400 m2, tường đá ong kết hợp gạch mộc, mái ngói ta, kèo cột gỗ, nên “đông ấm, hè mát”! Kỹ sư Đặng Thành Nam, cán bộ Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (QLDT), giới thiệu “nhà này cổ nhất trong hơn 100 nhà cổ ở Đường Lâm”. Theo bài cúng cầu an khắc chữ Hán trên tấm gỗ gia chủ lưu giữ, các nhà nghiên cứu Hán- Nôm đã dịch nghĩa, cho thấy lễ cầu an cho ngôi nhà diễn ra ngày 10-9 năm Kỷ Sửu (năm 1649), cách nay hơn 360 năm, đến ông Hùng đã được 12 đời. Ông Hùng kể, đời các cụ cứ 30 năm đảo ngói một lần, hỏng đâu sửa đấy. Năm 2008, nhà bắt đầu hỏng nặng: ngói xô, dột, nhiều cấu kiện gỗ bị mục ải, gãy mộng… Các chuyên gia Nhật Bản đã khuyên nên sửa chữa, nếu không nhà sẽ dột, gỗ thấm nước mưa càng hỏng nhanh. Thế là nhà ông trở thành ngôi nhà cổ đầu tiên ở Đường Lâm được Ban QLDT chọn để phục dựng, bảo tồn. Toàn bộ ngôi nhà được “hạ giải”, những cấu kiện gỗ thực sự bị hỏng được thay bằng cách cấy ghép vật liệu mới thật khéo léo, hài hòa.


Cổng làng Mông Phụ


Trỏ cây cột sần sùi, mọt gần hết vỏ ngoài, Nam bảo: “Chúng tôi đề nghị thay mới nhưng chuyên gia Nhật Bản nói cột còn chịu lực tốt, thay mới sẽ làm mất giá trị nhà”. Sau 3 tháng, ngôi nhà được phục dựng như nguyên bản. Ông Hùng bắt tay vào làm dịch vụ du lịch, phục vụ ăn uống cho khách tham quan làng cổ, thực đơn chủ yếu là “hồn quê” như canh cua, cá rô đồng, bánh tẻ…, ngày cao điểm tới cả trăm khách.

Trước lúc vào làng, chúng tôi đã ghé qua chùa ón ngoài cánh đồng, một trong số 8 công trình kiến trúc cổ ở Đường Lâm đã được tiến hành tu bổ, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam- JICA (cùng với cổng làng Mông Phụ, nhà ông Hùng…). Gọi là chùa nhưng từ lâu không còn yếu tố thờ cúng. Chưa có tài liệu nào khẳng định chùa xây bao giờ, chỉ biết tuổi đời ước vài trăm năm. Trước khi tu bổ đầu năm 2010, chùa xuống cấp nghiêm trọng: mái ngói xô vỡ, dột; một số kết cấu gỗ bị mối mọt làm hư hỏng; đặc biệt, bức tường bên phải xây gạch thẻ bị lún nghiêng. Quá trình tu bổ, ngoài việc lợp lại mái, sửa chữa các cấu kiện gỗ hỏng, các chuyên gia Nhật Bản đã tư vấn giải pháp chữa tường lún nghiêng bằng cách nẹp rồi kích đứng tường, sau đó gia cố móng. Nhìn ngôi chùa cổ được phục dựng nguyên vẹn, tinh mắt mới nhận ra những đoạn gỗ nối vá khéo léo, nhiều chi tiết chỉ bằng vài ngón tay, Nam nói: “Quá trình làm việc với chuyên gia Nhật giúp mình “vỡ” ra nhiều. Quan điểm bảo tồn của họ là cố gắng sửa chữa, tận dụng, trong khi ở ta thường “hỏng đâu thay đấy”! Anh kể chuyện phục dựng cổng làng Mông Phụ năm 2008, có cây cột gỗ lim cỡ lớn bị mối mọt ăn ruỗng lõi nhưng vỏ khá nguyên vẹn; chuyên gia Nhật “hiến kế” xẻ đôi cột, thay lõi rồi ghép lại, đỡ tốn kém mà vẫn giữ hình dáng xưa cũ. Nghe thế lại nhớ những chuyện “làm mới di tích” gây bức xúc dư luận mấy năm vừa qua, và càng thấy quan điểm bảo tồn này cần được học hỏi và nhân rộng…

2. Trong con ngõ hun hút tường đá ong, chúng tôi gặp hai nữ tình nguyện viên Nhật Bản với chiếc nón trắng lấp lóa trên đầu. Yoriko Yamaguchi 29 tuổi, đã tốt nghiệp Tiến sỹ bảo tồn di sản ở ĐH Tsukuba (Tokyo). Tháng 9-2009, cô kiến trúc sư quê ở Hokkaido trở thành tình nguyện viên của Dự án bảo tồn làng cổ Đường Lâm, công việc chính là tư vấn kỹ thuật và giám sát. 6 tháng sau, Aiko Inoue- Tiến sỹ chuyên ngành quản lý di sản văn hóa, từng có 3 năm làm việc cho UNESCO tại Băng-cốc (Thái Lan)- cũng đến Đường Lâm làm tình nguyện viên lĩnh vực phát triển nông thôn. Hàng ngày, hai cô gái xứ hoa anh đào đạp xe mini rong ruổi làng cổ, “ba cùng” với người dân, chiều tối về thị xã cách đó 4 cây số, ăn “cơm bụi” rồi tá túc tại văn phòng Ban QLDT. Tuy mới đến nhưng hai cô được dân làng quý mến, bắt đầu “nghiện” chè tươi hoặc nụ vối nấu bằng nước giếng khơi, thích ăn bánh tẻ, chè lam… Yoriko nói: “Hàng ngày tôi đến hiện trường xem xét, đo đạc, chụp ảnh, nghiên cứu, góp ý với người dân, giúp họ hiểu về giá trị của nhà cổ, qua đó cải thiện ý thức gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Tôi muốn người dân nhận thức được rằng, đến một người nước ngoài như tôi còn trân trọng những giá trị đó, là những người dân địa phương, lẽ nào họ không trân trọng di sản của chính mình?”…

Cách trung tâm Thủ đô chưa đầy 50 km, làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) nổi tiếng là “đất hai vua”, đồng thời là “kho tàng” di sản văn hóa của xứ Đoài nói riêng và Thăng Long- Hà Nội nói chung. Làng cổ gồm 5/9 thôn của xã Đường Lâm, gồm Mông Phụ, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng và Cam Lâm. Đường Lâm hiện còn lưu giữ hơn 100 ngôi nhà cổ loại 1 (niên đại trên 100 năm), có 10 nhà xếp hạng di tích cấp thành phố, cùng hơn 900 nhà kiểu truyền thống xây dựng trong vòng 50 năm trở lại; ngoài ra còn hơn 100 nhà “loại 4”, tức là nhà bê tông kiên cố, không ít nhà cao 2-3 tầng (theo Ban QLDT thì những nhà này chủ yếu được xây dựng trước khi làng cổ trở thành di tích quốc gia). Đường Lâm có nhiều công trình tôn giáo, cổng làng, nhà thờ họ… rất giá trị về nghệ thuật kiến trúc, một số đã được xếp hạng như cổng làng Mông Phụ, chùa Mía (thôn Đông Sàng), đình thôn Mông Phụ, đình Cam Thịnh, đình Đoài Giáp, đền Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền… Giáo sư Hiromichi Tomuda (Trường ĐH nữ Chiêu Hòa) - người khởi xướng việc nghiên cứu bảo tồn làng cổ Đường Lâm, cũng là người có đóng góp rất lớn trong việc đưa phố cổ Hội An trở thành Di sản thế giới - đánh giá: “Không ở đâu mà chỉ với diện tích vài cây số vuông lại có mật độ di tích dày đặc như Đường Lâm”. Những công trình kiến trúc cổ ở Đường Lâm được bố trí hài hòa với cảnh quan thiên nhiên là những cây đa, giếng nước, sân đình…; những giá trị vật thể gắn bó với phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, tục thờ cúng tổ tiên, nếp sinh hoạt kiểu đại gia đình nông thôn, nhà ở liền kề với khu vực chăn nuôi, sân vườn… Tất cả đã làm nên một làng Việt cổ với không gian văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đó là lý do giới nghiên cứu gọi Đường Lâm là “bảo tàng sống” về lối sống nông nghiệp!

3. Từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, các giáo sư trường ĐH nữ Chiêu Hòa (Tokyo) đã nghiên cứu làng cổ Đường Lâm, nhận thấy sự tàn phá của thời gian và thiên nhiên, đặc biệt là sức ép của kinh tế thị trường và cơn lốc đô thị hóa ngày càng đè nặng lên làng Việt cổ (thực tế lúc đó có không ít nhà cổ bị phá bỏ, nhường chỗ cho nhà bê tông). Các nhà khoa học đến từ quốc gia có nhiều thành tựu về bảo tồn di sản văn hóa đã gióng giả “kêu” với các cơ quan chức năng của Việt Nam về nguy cơ mai một của làng cổ.

Năm 2003, sau khi Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) ký hợp tác với Tổng cục Văn hóa Nhật Bản, việc nghiên cứu làng cổ Đường Lâm chính thức được giao cho Trường ĐH nữ Chiêu Hòa. Cuối năm 2004, các “tình nguyện viên đầu bạc” của Nhật Bản đã giúp UBND thị xã Sơn Tây ban hành Điều lệ quản lý làng cổ tạm thời, đồng thời giúp cơ quan chức năng của thị xã Sơn Tây và tỉnh Hà Tây (cũ) xây dựng hồ sơ di tích trình Bộ VHTT. Tháng 11-2005, làng cổ Đường Lâm chính thức được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, trở thành ngôi làng đầu tiên được tôn vinh là làng Việt cổ.

Với sự hỗ trợ của JICA, chuyên gia Nhật Bản không chỉ tham gia bảo tồn những giá trị vật thể (công trình kiến trúc cổ), mà còn hướng dẫn dân làng cách làm du lịch, cải thiện đời sống. Ông Hà Nguyên Huyến, chủ một ngôi nhà cổ (xếp hạng di tích cấp thành phố) ở thôn Mông Phụ, cho hay, mỗi tháng nhà ông được Ban QLDT cấp 3 trăm nghìn đồng, gọi là tiền mở cổng, đun nước chè xanh để đón khách tham quan. Ông Huyến chính là người đầu tiên mở dịch vụ du lịch ở Đường Lâm. Ông Nguyễn Văn Hùng thì khẳng định: “Từ ngày Đường Lâm được công nhận làng cổ, đời sống của một bộ phận người dân đã khá hơn”. Ông Phan Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm, cho biết: “Mấy năm gần đây, làng cổ có hơn chục hộ mở dịch vụ du lịch, ngoài ra có hàng chục hộ chuyên sản xuất các món ẩm thực truyền thống của địa phương như chè lam, bánh tẻ, chè kho… cung cấp cho các hộ làm dịch vụ”. Dự án bảo tồn làng cổ Đường Lâm không chỉ đem lại hiệu quả tích cực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, mà còn thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế xã hội địa phương. Và “mưa dầm thấm lâu”, sự tuyên truyền, vận động và hành động cụ thể của chính quyền địa phương, Ban QLDT và nhất là các chuyên gia Nhật Bản, đã giúp chủ nhân các nhà cổ ý thức được mình đang sở hữu khối tài sản vô giá, không ai nghĩ đến chuyện phá bỏ nhà cổ nữa.

4. Tuy nhiên, không khó nhận ra những vướng mắc trong việc bảo tồn di sản ở Đường Lâm. Ông Phạm Hùng Cường, Phó hiệu trưởng trường ĐHXD Hà Nội, phát biểu bên lề hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm (do UBND thị xã Sơn Tây và JICA tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, nhân dịp 5 năm làng cổ trở thành di tích quốc gia): “Mong muốn bảo tồn làng cổ, giữ một lối sống ngày xưa trong bối cảnh cuộc sống đang tiếp diễn là một bài toán hết sức phức tạp”. Nghiêm cấm mua bán, chuyển nhượng (nhà cổ), đã đành, song khi dân có nhu cầu sửa chữa, cơi nới (hết sức chính đáng) thì thủ tục rất nhiêu khê. Làng cổ là di tích cấp quốc gia, do Bộ VH-TT-DL quản lý, nên do Bộ phê duyệt, nhưng để được cấp phép thì trước đó hồ sơ phải nộp qua rất nhiều “cửa”, từ Ban QLDT, Phòng VH-TT-DL (thị xã) đến UBND thị xã, sau đó chuyển lên thành phố rồi mới lên Bộ! Phần lớn người dân trình độ có hạn, lại không đủ kiên nhẫn, nên… Lãnh đạo Ban QLDT làng cổ Đường Lâm than thở: “Bí về cơ chế!”. Phải nhấn mạnh rằng, không riêng gì những nhà cổ mà tất tật các hộ sinh sống trong làng cổ đều “bị trói” bởi quy chế này. Có người đã nảy ý kiến rằng, nên đưa dân tái định cư chỗ khác, tha hồ mà tu bổ, bảo tồn làng cổ. Song, nếu tách dân khỏi làng cổ thì làng chỉ còn là mô hình chết, là sa bàn vô tri vô giác, còn gì là “bảo tàng sống” nữa? Vấn đề càng bức bối khi áp lực dân cư ngày càng nặng nề (người đẻ chứ đất đâu có đẻ?), nhà cửa tiếp tục xuống cấp, hư hỏng; bảo tồn thì chậm (mới có 8 công trình cổ được tu bổ), còn quy hoạch thì đến nay vẫn chưa hoàn thiện!

Tôi rời Đường Lâm khi ráng chiều đã tắt sau núi Tản. Giữa những chuyến xe bò, xe cải tiến chở lúa về làng, có cả những chiếc công nông chở gạch ầm ầm lao qua cái cổng làng nổi tiếng đã đi vào thơ ca, phim ảnh. Chợt thấy lo lắng, không phải lo chuyện nhà cổ, mà lo vì không gian làng cổ đang có nguy cơ bị phá vỡ bởi sự xuất diện ngày càng nhiều nhà cao tầng, kiên cố. Và giữa những ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long, thực trạng ấy, mối lo ấy càng chứng tỏ quy hoạch làng cổ Đường Lâm phải sớm được hoàn thiện!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn ở làng cổ xứ Đoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.