Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băn khoăn câu chuyện phòng, chống doping

Minh Hà| 08/01/2023 06:00

(HNMCT) - Ngày cuối năm 2022, chia sẻ về câu chuyện sử dụng chất kích thích trong thể thao, lãnh đạo ngành Thể dục - Thể thao thực sự băn khoăn. Nhiều đầu việc có thể giải quyết trong tầm tay, nhưng cũng có những việc cần thời gian, sự đầu tư và cả tác động từ các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc tế.

Các VĐV tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 thực hiện trắc nghiệm kiến thức về doping trên máy tính, bên lề Đại hội. Ảnh: Mai Hoàng

Bài học chưa bao giờ cũ

Khi nhìn lại hành trình của thể thao Việt Nam năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt không khỏi ưu tư về công tác phòng, chống doping. Câu chuyện 5 vận động viên (VĐV) ở đội tuyển điền kinh quốc gia bị xác định dương tính với chất cấm khi tham dự SEA Games 31 đã được thừa nhận. Không ai xác định là việc dương tính với doping của các VĐV là vô tình hay cố ý, nhưng người trong ngành đều chung nhận định rằng đó là sự không may khi sử dụng thực phẩm chức năng.

Ở đây, các VĐV đều sử dụng cùng một loại bột dinh dưỡng nhằm tăng cường sức khỏe. Vấn đề là loại bột trên không phải được mua từ chính hãng được Tổ chức phòng, chống doping quốc tế công nhận là không chứa chất cấm, mà là mua từ các kênh khác.

Nhưng, dù nguyên nhân là gì thì thực tế vẫn là số VĐV này dương tính với doping, nâng số VĐV Việt Nam từng bị xác định dương tính với chất kích thích lên hàng chục. Đáng chú ý, trong đó có cả những VĐV được ngắm cho mục tiêu chinh phục HCV ở SEA Games 32 cũng như ASIAD 19 trong năm 2023. Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Nguyễn Văn Phú từng chia sẻ, các VĐV đội tuyển quốc gia thường được khuyến cáo trong việc sử dụng thuốc hay các sản phẩm dinh dưỡng. Khi sử dụng, tất cả đều phải hỏi đội ngũ y tế phụ trách đội tuyển. Những năm gần đây, ý thức của VĐV về việc này đã tăng lên rõ rệt.

Trên thực tế mỗi khi sử dụng thuốc các VĐV đều hỏi bác sĩ ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Theo VĐV đội tuyển điền kinh quốc gia Trần Văn Đảng, quá hiểu về hậu quả nếu dùng doping nên các VĐV đều rất thận trọng khi sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao tất cả đều hiểu, đã thận trọng mà vẫn có VĐV dương tính với doping? Chúng ta gặp khó khăn gì trong việc này? Câu trả lời dường như là "cái khó bó cái khôn". Như việc VĐV mua bột dinh dưỡng chẳng hạn, tất cả thường là do VĐV bỏ tiền túi ra mua, và chủ yếu là mua hàng trôi nổi trên thị trường, bởi nếu mua bột dinh dưỡng đủ tiêu chuẩn, hàng chính hãng thì rất đắt, vượt khả năng tài chính của họ. Hay như việc Việt Nam chưa có trung tâm xét nghiệm các mẫu thử doping nên vẫn phải gửi mẫu thử đến các trung tâm xét nghiệm doping ở nước ngoài. Chi phí gửi xét nghiệm cao, ít nhất 200 USD/mẫu thử, đó cũng là thách thức đối với ngành Thể dục - Thể thao.

Đường dài còn lắm khó khăn

Để công tác phòng, chống doping hiệu quả hơn, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt, mức đầu tư cho công tác này phải cao hơn so với mức hiện nay. Chúng ta phải sớm có trung tâm xét nghiệm doping đạt tiêu chuẩn quốc tế để trực tiếp xét nghiệm doping, từ đó tổ chức lấy mẫu liên tục ở các đội tuyển thể thao quốc gia, các địa phương… và xét nghiệm với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với khi gửi xét nghiệm ở nước ngoài. Điều đó sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả công tác phòng, chống doping các các cấp độ đội tuyển thể thao, khiến các HLV, VĐV càng cẩn trọng hơn khi sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng.

Ở góc độ khác, kinh phí dành cho việc phòng, chống doping cũng cần được chú trọng hơn so với hiện nay. Như ở Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022, có khoảng 160 mẫu xét nghiệm doping được thực hiện - nhiều nhất trong các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc từ trước đến nay. Thế nhưng, con số 160 mẫu này vẫn thấp hơn rất nhiều so với mong muốn của ngành Thể dục - Thể thao.

Một vấn đề nữa được lãnh đạo ngành Thể dục - Thể thao quan tâm chính là sự vào cuộc mạnh mẽ của đơn vị quản lý thị trường nhằm ngăn chặn việc mua bán hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ, đặc biệt là việc bán hàng qua mạng xã hội. Khi VĐV sử dụng các loại thực phẩm chức năng từ nguồn này thì nguy cơ "dính" doping luôn hiện hữu.

Hiện nay, mong muốn của lãnh đạo ngành Thể dục - Thể thao là các đội tuyển đều được  như đội tuyển môn cử tạ. Ở môn này, đại diện Tổ chức phòng, chống doping có thể xét nghiệm đột xuất với VĐV cử tạ ở bất cứ quốc gia nào, kể cả khi VĐV không tập luyện hay thi đấu. Nhờ giải pháp này, hiện tượng sử dụng doping trong môn cử tạ đã giảm đáng kể. Thế nên, nếu các hiệp hội, liên đoàn thể thao thế giới các môn khác đều áp dụng giải pháp này thì thể thao Việt Nam cũng được nhờ.

Nói về thực trạng, giải pháp cũng như mong muốn của lãnh đạo ngành Thể dục - Thể thao để thấy rằng, việc phòng, chống doping trong thể thao Việt Nam không hề đơn giản, đặc biệt là trong hoàn cảnh "cái khó bó cái khôn".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn câu chuyện phòng, chống doping

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.