Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản hùng ca được viết bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam

Hà Vũ - Ảnh: Nhật Nam| 09/12/2022 13:42

(HNMO) - Sáng 9-12, tại Thủ đô Hà Nội, Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại” đã được Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức.

Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân với các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.

Dự và chỉ đạo hội thảo có Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tham dự có các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đại tướng Phạm Văn Trà, Đại tướng Ngô Xuân Lịch; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và các nhân chứng lịch sử.

Đại biểu thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, đồng Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng...

Các đại biểu dự hội thảo.

Chiến công hiển hách trong những chiến công vĩ đại nhất của dân tộc

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại hội thảo, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ, cách đây tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng 12-1972, cả thế giới phải kinh ngạc, kính phục chứng kiến uy danh “pháo đài bay B-52” - biểu tượng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ bị đập tan trên bầu trời Hà Nội. Mảnh đất Thăng Long - Đông Đô - “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm” lại ghi thêm một chiến công hiển hách trong những chiến công vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, đó là: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Theo Đại tướng Lương Cường, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” thể hiện khí phách bất khuất, là bản hùng ca được viết bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; kiên quyết, kiên cường chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất non sông gấm vóc. Đó cũng là minh chứng hùng hồn cho dự đoán thiên tài của Bác Hồ.

“Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng tinh thần Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” luôn thôi thúc quân và dân ta tiến lên giành những thắng lợi to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại tướng Lương Cường khẳng định.

Đại tướng Lương Cường phát biểu tại hội thảo.

Hai đợt chiến đấu, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B-52

Đề dẫn hội thảo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo cho biết, sớm đoán bắt được âm mưu của Mỹ sẽ leo thang đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn và có nhiều khả năng chúng sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân là lực lượng chủ yếu, tập trung mọi khả năng tiêu diệt máy bay B-52.

Ngày 24-11-1972, kế hoạch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 được Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phê chuẩn, trong đó xác định: Tập trung cao nhất lực lượng bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, với đối tượng tác chiến chủ yếu là máy bay B-52 và quyết tâm bắn rơi B-52 tại chỗ... Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm 6 trung đoàn tên lửa phòng không, 4 trung đoàn không quân tiêm kích, 16 trung đoàn và 22 tiểu đoàn pháo phòng không, 4 trung đoàn ra-đa, 346 đơn vị pháo và súng máy phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.

Với sự chuẩn bị tích cực, chủ động và tinh thần, ý chí quyết tâm cao, sau 12 ngày, đêm với 2 đợt chiến đấu, lực lượng phòng không - không quân cùng với quân, dân Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 B-52, 5 F-111, bắt nhiều phi công Mỹ.

Bị tổn thất nặng nề, không đạt được mục đích đề ra, ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục đàm phán. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ buộc phải rút hết quân viễn chinh, quân đồng minh về nước.

“Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” góp phần mở ra bước ngoặt chiến lược có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; làm nức lòng bè bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Nửa thế kỷ đã trôi qua, những dấu tích của một thời đạn bom tàn phá đã được thay thế bằng những thành quả của công cuộc dựng xây đất nước, nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử từ chiến thắng đó vẫn vẹn nguyên giá trị”, Trung tướng Trịnh Văn Quyết khẳng định.

Thay mặt Ban Chỉ đạo hội thảo, Trung tướng Trịnh Văn Quyết đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học, bằng phương pháp luận khoa học, tư duy đổi mới, sáng tạo và hoạt động thực tiễn của cơ quan, đơn vị mình, tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” với 5 nhóm nội dung chủ yếu như: Bối cảnh, tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn; sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành xuất sắc của Quân đội; tái hiện cuộc chiến đấu ngoan cường, anh dũng, tinh thần chủ động, sáng tạo, trí thông minh và lòng quả cảm tuyệt vời; những thành công của công tác Đảng, công tác chính trị trong xây dựng ý chí, quyết tâm, động viên chính trị, tinh thần để các lực lượng, cán bộ, chiến sĩ “dám đánh, biết đánh và đánh thắng”...

Các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng và các đại biểu tham dự hội thảo.

“Lập công rồi, B.52 rơi tại chỗ”

Ban Chỉ đạo hội thảo đã nhận được hơn 130 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, thành phố Hà Nội; lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương; các quân khu, quân chủng, binh chủng, công an một số tỉnh, thành; các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, công an, các nhà khoa học...

Theo Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Phó Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo, mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn về sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Chín đại biểu đã tham luận trực tiếp tại hội thảo. Trong đó, Tiến sĩ Phạm Văn Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chỉ rõ, với tư duy quân sự thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có những dự đoán sớm, chính xác mà còn sáng suốt hoạch định kế hoạch chiến lược và chỉ đạo chuẩn bị chu đáo để chủ động ứng phó và giành thắng lợi trước kẻ thù. Cụ thể, năm 1967, đến thăm Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Trung tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, để phát huy hết khả năng của các lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng địch, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Quân chủng đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và nhân dân miền Bắc, hình thành các cụm lực lượng, như: Cụm phòng không Hà Nội, cụm phòng không Hải Phòng và cụm phòng không phía Bắc đường 1, Thái Nguyên, tạo thành thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, sẵn sàng đánh bại cuộc tiến công đường không của địch. Đặc biệt, thế trận đánh B-52 của lực lượng tên lửa phòng không bảo vệ khu vực mục tiêu chủ yếu là Hà Nội được tạo lập trên cơ sở bố trí toàn bộ lực lượng tên lửa phòng không ở vòng trong, bảo đảm tập trung lực lượng đánh B-52 từ mọi hướng, đánh địch cả khi bay vào và bay ra...

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tham luận tại hội thảo.

Một nhân chứng lịch sử là Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân nhớ lại: “Mở màn chiến dịch là Tiểu đoàn 78, Trung đoàn tên lửa 257 (mang phiên hiệu Đoàn Cờ đỏ). Lúc 19h44 ngày 18-12-1972, tại trận địa Thượng Thụy đã phóng 2 quả đạn tên lửa vào tốp B-52 đang bay từ hướng Tây vào gây tội ác với nhân dân ta. Tuy máy bay chưa rơi, nhưng nó đã báo hiệu, nhắc nhở lực lượng phòng không sẵn sàng chiến đấu, nhất là bộ đội tên lửa, B-52 đã vào đánh Hà Nội. Đến 20h13, Tiểu đoàn 59 Trung đoàn tên lửa 261 (Đoàn Thành Loa) bảo vệ phía Bắc Hà Nội đã bắt đúng dải nhiễu B-52, phóng 2 quả đạn tên lửa bắn rơi tại chỗ B-52 tại cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Kết quả này khiến nhân dân ta ngỡ ngàng và các cấp còn đắn đo đúng hay không đúng việc B-52 bị bắn rơi tại chỗ. Khi ấy, đồng chí Trung đoàn phó Trung đoàn 261 đã đến tận nơi máy bay rơi xem hình thù con “ngáo ộp” thế nào. Ông đã đứng lên xác chiếc B-52 và đã dùng dao đeo bên người cậy được nhãn hiệu (cành ô liu và quả đấm thép) có dòng chữ B-52G. Sung sướng, tự hào ông hô như reo: Lập công rồi, B-52 rơi tại chỗ”.

Theo Anh hùng Nguyễn Văn Phiệt, bộ đội tên lửa phòng không trong chiến dịch đã đánh 192 trận, dùng 334 quả đạn tên lửa, tiêu diệt 36/81 máy bay các loại, trong đó có 29 B-52, tương đương 85,3% số máy bay rơi của chiến dịch.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản tham luận.

Tham luận tại hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” còn vẹn nguyên giá trị đối với thế hệ hôm nay, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước và Thủ đô đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng với những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen... Đó là bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; về công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao nhận thức, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; về phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo của các chi, đảng bộ cơ sở; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vai trò làm chủ của nhân dân... Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân, công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của mọi cấp ủy, tổ chức Đảng, cần được tiến hành thường xuyên, kiên trì và lâu dài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bản hùng ca được viết bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.